Theo quyết định của Ban tổ chức cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024 (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) về việc phê duyệt danh sách các dự án khởi nghiệp vào vòng chung kết cấp vùng, tỉnh Thái Bình có 2 dự án “Nông dược sạch Vavi Farm” và “Sản xuất nông nghiệp xanh tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm” được lọt vào vòng chung kết.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất hay các dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ mới sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm thân thiện với môi trường… Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Cuộc thi năm 2024 là sân chơi kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác, các cơ quan hữu quan cùng hỗ trợ, đồng hành với các Dự án khởi nghiệp có khả năng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số… để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp của phụ nữ trên cả nước, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Bình chia sẻ “Cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích và trở thành nơi giao lưu, học hỏi, kết nối giữa các chị em khởi nghiệp cùng ý chí, tự tin vươn lên khẳng định mình. Giá trị lớn nhất của cuộc thi không đến từ giải thưởng mà chính là được nhận nhiều sự động viên, khích lệ tinh thần, cũng như những lời khuyên, tư vấn có giá trị từ các thành viên Ban giám khảo, giúp khắc phục những khiếm khuyết để dự án được hoàn thiện hơn. Đồng thời, góp phần thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp, đúng với tinh thần và yêu cầu mà Hội LHPN tỉnh kỳ vọng”.
Hưởng ứng cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024, tỉnh Thái Bình có 06 dự án khởi nghiệp chất lượng tham gia; trong đó có 02 dự án “Nông dược sạch Vavi Farm” và “Sản xuất nông nghiệp xanh tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm” được lọt vào vòng chung kết cấp vùng và tham dự chuỗi sự kiện Chung kết cấp vùng miền Bắc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 tổ chức tại tỉnh Hưng Yên từ ngày 11/9-13/9/2024.
- Dự án khởi nghiệp “Nông dược sạch Vavi Farm”
Chị Vũ Thị Vân giới thiệu một số sản phẩm của hợp tác xã Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành kỹ thuật thực phẩm, từng làm việc tại một số công ty lớn, chị Vũ Thị Vân trở về quê hương huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và làm việc tại một hợp tác xã (HTX) nông dược. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm xanh vì sức khỏe cộng đồng, năm 2022, vợ chồng chị Vân thành lập HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, chị Vân hướng dẫn cho các hộ dân cách trồng cây dược liệu không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Phân bón chủ yếu cho cây dược liệu sạch phải ủ bằng phân gà, rau củ, ốc bươu; thuốc trừ sâu sinh học cũng được tự tạo để chăm sóc cây dược liệu. HTX ký kết hợp đồng thu mua dược liệu cho bà con nông dân. Sau khi thu hái, dược liệu được sơ chế kỹ càng và chế biến theo đúng tiêu chuẩn trước khi đóng gói. Hiện tại, HTX sản xuất gần 20 sản phẩm như trà thảo dược, dầu gội, xà bông tắm... trong đó trà túi lọc tía tô được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX cũng cung cấp nguyên liệu cho một số công ty, cơ sở chế biến khác.
Vợ chồng chị Vũ Thị Vân thu hoạch tía tô tại vườn
Theo chia sẻ của chị Vân, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm dược liệu hữu cơ, muốn tiêu thụ tốt, điều căn bản là phải chú trọng đến chất lượng từng sản phẩm. Nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, thêm vào đó, vợ chồng chị có sự hỗ trợ từ gia đình nhà chồng (có truyền thống làm thuốc Bắc và bán lá thuốc Nam), sự ủng hộ của các hộ dân trồng cây dược liệu trong quá trình xây dựng thương hiệu nên chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Để tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh bán hàng theo phương thức truyền thống, tham gia các hội chợ triển lãm để trưng bày và giới thiệu sản phẩm thì với xu thế chuyển đổi số hiện nay, HTX đẩy mạnh bán hàng online. Dù bắt đầu chưa lâu nhưng HTX của chị Vân mang đến thu nhập khá cho gia đình và bà con nông dân.
Bà Mai Thị Xô, thôn Hạc Ngang, xã Dương Phúc (Thái Thụy) cho biết “Gia đình tôi có 2 mẫu trồng tía tô, hương nhu, lạc tiên, cà gai leo, sen... cung cấp cho HTX Nông dược và thương mại dịch vụ Vavi. Tính ra làm nhàn, an toàn cho sức khỏe mà thu nhập khá hơn so với cấy lúa”
Chị Vân cho biết: “Được sự động viên của cán bộ hội phụ nữ các cấp, tôi đã nộp hồ sơ dự thi và vượt qua vòng sơ loại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 cấp vùng. Đó là cơ hội để tôi được giao lưu, học hỏi, có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong thực tiễn khởi nghiệp. Hiện nay, cũng có một số đơn vị, cá nhân muốn đầu tư vào HTX nhưng vợ chồng tôi đang nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm và khảo sát thị trường rồi mới có quyết định”
Đồng chí Đỗ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thái Thụy đánh giá: “Cùng với chị Vân, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm khởi nghiệp, OCOP do phụ nữ làm ra. Các sản phẩm này là có nhiều thay đổi phù hợp sau khi được các cấp hội hỗ trợ như chất lượng, mẫu mã, cách tiếp cận thị trường... Các chị đã dựa vào nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để phát triển sản xuất, kết nối chặt chẽ với các hộ nông dân để bảo đảm nguồn nguyên liệu dồi dào, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ địa phương”
2. Dự án khởi nghiệp “Sản xuất nông nghiệp xanh tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm”
Chị Phạm Thị Hương giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Nông trại Hữu cơ Thái Bình
Tốt nghiệp Học viên Nông nghiệp Việt Nam với tấm bằng Kỹ sư Nông nghiệp chuyên ngành Trồng trọt, sau nhiều năm làm việc xa quê, chị Phạm Thị Hương, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà đã quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Chị Hương đã biến ước muốn về một trang trại trồng trọt hữu cơ thành hiện thực.
Giữa năm 2021, khi nhận vùng đất chuyển đổi cấy lúa kém hiệu quả, bản thân chị Hương đã quyết định quật lập vùng đất này thành khu trồng trọt an toàn, hữu cơ với 2 loại cây trồng chính là Măng tây xanh và cây cà tím. Đến nay, chị Hương đã là chủ điền của một trang trại trồng trọt an toàn tại vùng chuyển đổi rộng hơn 20.000m22, trong đó: diện tích trồng nho Mẫu đơn Hàn Quốc, Hạ Đen là 5.000m2, diện tích trồng Măng Tây Xanh là 10.000m2; diện tích trồng Na Thái là 4.000m2, diện tích trồng Nấm Sò Tú Cầu là 500m2; diện tích chăn nuôi là 1.000m2. Mô hình được tổ chức sản xuất theo quy trình tuần hoàn khép kín, tổng doanh thu dự kiến đạt gần 4 tỷ/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 4,5 -10 triệu đồng/tháng.
Trẻ em trải nghiệm tại vườn nho của HTX Nông trại hữu cơ Thái Bình
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao, chị Hương đã nghiên cứu, tiên phong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chị Hương cho biết: “Trồng trọt theo quy trình truyền thống, sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi vùng sản xuất đều được giám sát theo nhật ký điện tử nên lượng dinh dưỡng được giám sát chặt chẽ, không hao phí và có tính bao quát cao mà lao động thủ công khó có thể làm được. Thay vì phải thuê cả chục lao động, nay mọi hoạt động đều có thể điều khiển từ xa. Hệ thống tưới tự động không chỉ giúp cung cấp nước mà toàn bộ phân bón sử dụng bằng chế phẩm sinh học và các loại phân hữu cơ khác cũng được xử lý qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây... Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dần được số hóa nhờ các trang thương mại điện tử nên giá trị sản phẩm cũng tăng cao hơn so với trước”.
Đánh giá hoạt động của HTX trang trại trồng trọt hữu cơ, đồng chí Đinh Thị The - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà cho biết “HTX trang trại trồng trọt hữu cơ của chị Hương là một trong những HTX trên địa bàn huyện Hưng Hà chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất, nuôi trồng, bảo quản sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, kinh doanh. HTX có sản phẩm, hàng hóa thực hiện bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên facebook, google... góp phần tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Đây là hướng đi tất yếu để HTX trên địa bàn huyện từng bước xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn”
Nhận thấy xu hướng phát triển của xã hội, hướng tới một nền nông nghiệp xanh - sạch - đẹp, vừa canh tác an toàn sinh học, vừa cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm sạch cho cuộc sống đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và tạo ra môi trường học tập, khơi dậy đam mê nông nghiệp cho thế hệ trẻ, chị đã có ý tưởng phát triển, xây dựng dự án “Sản xuất nông nghiệp xanh tuần hoàn kết hợp du lịch trải nghiệm” Đây là hướng đi mới cho sự phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, chính vì vậy, khi tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024, chị Hương mong muốn sẽ được hỗ trợ về tài chính, các trang thiết bị, máy móc, công nghệ cao; hỗ trợ hướng dẫn về truyền thông, xây dựng thương hiệu và đặc biệt là được tiếp cận, giao lưu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của các chị em toàn quốc để thực hiện dự án đạt hiệu quả cao.
Nguồn tin: Hội LHPN tỉnh Thái Bình