Phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng, chính quyền
TS. NGUYỄN THỊ TUYẾN - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ cả nước. Hội đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp phụ nữ.
Trong bối cảnh đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặc biệt năm 2025 là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, việc phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng, chính quyền càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần thứ 12, khóa XIII đã xác định chủ đề hoạt động của Hội LHPN Việt Nam năm 2025 là "Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Chủ đề năm được xác định là sự cụ thể hóa Kế hoạch toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; các quan điểm mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động hiệu quả; phòng, chống lãng phí; phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng và chính quyền
Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam, có địa vị pháp lý được xác lập bằng chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Hội LHPN Việt Nam có chức năng "Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước; Đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới".
Để thực hiện tốt chức năng của tổ chức đại diện tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội LHPN Việt Nam có các vai trò cụ thể thông qua các nhiệm vụ:
(1) Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
(2) Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình và trẻ em;
(3) Tham mưu tạo nguồn, đề xuất công tác cán bộ nữ.
Kết quả công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Hội LHPN Việt Nam
Nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII cho thấy, các cấp Hội luôn chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Các cấp Hội ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì và phối hợp tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các Luật mới ban hành liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Trung ương Hội tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tổng kết thi hành một số luật trong hệ thống Hội; tư vấn pháp luật; tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật lồng ghép với phiên toà giả định, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng tham gia, được các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đánh giá cao; xây dựng mô hình hóa, clip mẫu về tổ chức phiên tòa giả định, đối thoại chính sách để hướng dẫn các tỉnh, thành áp dụng, thực hiện.
Công tác lên tiếng, tham gia giải quyết vụ việc tiếp tục được triển khai có hiệu quả trong các cấp Hội, Trung ương Hội tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác tham gia giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội.
Với vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, Trung ương Hội trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương can thiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ. Nửa nhiệm kỳ qua, đã có trên 1.300 vụ việc liên quan bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em được các cấp Hội tham gia giải quyết; phát hiện gần 350.000 trường hợp phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, bị buôn bán, giúp đỡ hỗ trợ gần 1.400 trường hợp tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội. Sự chủ động, kịp thời của các cấp Hội gắn với truyền thông trọng tâm đã nhận được sự quan tâm, tiếp thu, hỗ trợ của các cơ quan chức năng giúp giải quyết hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.
Trong tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình và trẻ em
Các cấp Hội thực hiện hoạt động giám sát bài bản, thực chất, xác định và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, chú trọng theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của các chủ thể, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương, đề xuất chính quyền, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ.
Trung ương Hội chủ trì giám sát 9 nội dung tại 08 tỉnh, thành; các tỉnh, thành Hội chủ trì thực hiện giám sát 232 nội dung chính sách; 1.841 số huyện và 18.488 xã chủ trì và phối hợp giám sát ít nhất 01 chính sách; tăng cường tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các bộ, ngành.
Nội dung giám sát đa dạng, tập trung giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, chính sách lao động nữ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ...
Hoạt động phản biện xã hội, tham gia góp ý đối với các dự thảo văn bản thực hiện có chất lượng. Trung ương Hội góp ý 98 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tham gia phản biện xã hội 02 dự thảo Luật cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ trì phản biện xã hội 04 dự thảo Luật.
Đề xuất thành công chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại 10 tỉnh thuộc địa bàn có đông người dân tộc thiểu số và có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước; tập trung nghiên cứu, đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ- CP của Chính phủ.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo: tăng cường đối thoại chính sách với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp: đã có 8.904 cuộc đối thoại, trong đó, cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội" có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm cơ chế cho các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ; đã có trên 2.500 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản tại địa bàn đặc biệt khó khăn thu hút 130.000 hội viên, phụ nữ tham gia.
Hội LHPN các cấp địa phương chủ động tham mưu cấp uỷ, phối hợp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu trên 34.000 nữ quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Nguồn tin: PhụnữViệtnam