Phát triển đảng viên nữ không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Với mô hình hay và cách làm sáng tạo từ cơ sở, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng trong tạo nguồn cán bộ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Năm 2025, cả nước tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc phát huy vai trò trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền càng có ý nghĩa quan trọng đối với Hội LHPN Việt Nam.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII (diễn ra vào trung tuần tháng 12/2024) đã xác định chủ đề hoạt động năm 2025 là: "Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Thực tế cho thấy, công tác phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đảng, quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng. Việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Để tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đòi hỏi đảng viên phải có trình độ, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh vững vàng. Từng đảng viên mạnh sẽ tạo nên tổ chức Đảng mạnh; tổ chức Đảng mạnh lại tạo đà phát triển cho mỗi đảng viên.
Đối với tổ chức Hội LHPN Việt Nam, công tác phát triển đảng viên nữ luôn được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Phát triển đảng viên nữ chính là cơ sở tạo nguồn cán bộ nữ tại địa phương, đơn vị; nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong thời đại mới, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Trong bài viết với nhan đề "Phát huy vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong xây dựng Đảng, chính quyền", Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, để thực hiện tốt chức năng của tổ chức đại diện tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội LHPN Việt Nam có các nhiệm vụ: (1) Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. (2) Tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình và trẻ em. (3) Tham mưu tạo nguồn, đề xuất công tác cán bộ nữ.
Sau nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.752 cơ sở có mô hình "1+1" (1 chi hội khá kèm 1 chi hội yếu; 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức Hội; 1 đảng viên nữ bồi dưỡng, giới thiệu phát triển đảng 1 chi hội trưởng/tổ trưởng/tổ phó, 1 hội viên là cán bộ, công chức, viên chức/Ủy viên Ban Chấp hành; 1 chi hội mạnh kết nghĩa, giúp đỡ 1 chi hội yếu hoặc 1 hội viên có điều kiện hỗ trợ 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn...) và 8.730 cơ sở có mô hình "3 có, 3 biết" (3 "có" là: Có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động; 3 "biết" là: Biết mặt hội viên, biết hoàn cảnh hội viên và biết nhu cầu hội viên, phụ nữ).
Đối với chỉ tiêu phấn đấu ít nhất 50% chi hội trưởng chưa là đảng viên được Hội LHPN cấp cơ sở bồi dưỡng, giới thiệu phát triển đảng, theo kết quả khảo sát tháng 12/2023, cả nước có 85.328 chi hội trưởng, trong đó 38.506 chi hội trưởng là đảng viên (chiếm 38,51%). Theo kế hoạch, toàn quốc phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ đạt ít nhất 33.000 chi hội trưởng được bồi dưỡng, giới thiệu phát triển Đảng.
Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tổ chức đa dạng các hoạt động nâng cao nhận thức và vận động thực hiện bình đẳng giới; các hoạt động rà soát, nắm tình hình đội ngũ cán bộ nữ, tham vấn nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ được chú trọng. Các cấp Hội thực hiện hoạt động giám sát bài bản, thực chất, xác định và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp. Hội LHPN các cấp chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội khác giới thiệu trên 34.000 nữ quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp…
Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới" trong nửa cuối nhiệm kỳ, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XIII xác định rõ phương hướng, đó là: Hội LHPN các cấp tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ theo các tôn giáo; phát huy vai trò của tổ chức Hội trong kịp thời hỗ trợ giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của hội viên phụ nữ; giải quyết điểm nóng, giải quyết đơn thư, khiếu nại và phản biện chính sách gắn với các vấn đề liên quan mật thiết với quyền lợi của phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em"; bám sát Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tham mưu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới; chủ động tham mưu, tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ; phấn đấu nâng tỷ lệ và chất lượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong các cơ quan dân cử, các cấp chính quyền.
* Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh: "Trong công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước, bám sát nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã vận dụng, sáng tạo, tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Tổ chức Hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, với sự tham gia tích cực, gương mẫu đi đầu của các nữ đảng viên, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, truyền thống của Thủ đô anh hùng, đóng góp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đóng góp tích cực trong phong trào phụ nữ cả nước".
* Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Lệ Hà: "Trong công tác phát triển Đảng, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đội ngũ Chi hội trưởng, Chi hội phó, hội viên nòng cốt tại cơ sở. Hàng năm, tỉnh Hội giao chỉ tiêu thi đua mỗi cơ sở Hội giúp đỡ, giới thiệu ít nhất 2 hội viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp. Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều phong trào thiết thực, phù hợp với đặc điểm của địa phương nhằm tập hợp phụ nữ, thu hút hội viên tham gia các hoạt động để rèn luyện, phấn đấu vào Đảng; tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy cơ sở xem xét kết nạp hội viên phụ nữ vào Đảng. Hiện nay, chi hội trưởng phụ nữ là đảng viên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 921/1.874 người, chiếm tỷ lệ 49,15%; có nhiều huyện có tỷ lệ chi hội trưởng là đảng viên đạt từ 50% trở lên như: Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; trong đó, tiêu biểu là huyện Kỳ Anh với tỷ lệ chi hội trưởng là đảng viên đạt 73,68%".
* Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn Trương Thị Hảo: "Chúng tôi xác định việc vận động, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia tổ chức Hội cũng như thực hiện các phong trào thi đua là điều kiện thuận lợi để Hội rà soát, bồi dưỡng, giúp đỡ hội viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn để giới thiệu kết nạp vào Đảng. Đồng thời, tỉnh Hội chỉ đạo các cơ sở Hội quan tâm tốt việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho hội viên phụ nữ; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ đảng viên trong các cấp Hội".
* Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) Nguyễn Thị Thùy: "Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác phát triển đảng viên nữ nhưng hiện nay, công tác tạo nguồn kết nạp Đảng đối với hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Hà còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do phần lớn hội viên phụ nữ trẻ trên địa bàn đi làm ăn xa, dẫn đến những khó khăn trong công tác vận động, giới thiệu hội viên ưu tú để xem xét, bồi dưỡng kết nạp Đảng. Một số hội viên làm nghề tự do, ít tham gia hoạt động tại nơi cư trú; một số quần chúng nhận thức hạn chế, có tâm lý "ngại" vào Đảng hoặc có nhận thức tốt, đóng góp tích cực trong công tác Hội và các hoạt động xã hội khác nhưng lại không đạt tiêu chuẩn về trình độ học vấn… Đặc biệt, ở một số thôn đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phụ nữ không có nhiều cơ hội phát triển, khẳng định bản thân, nên việc tạo nguồn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận bí thư chi bộ còn chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển đảng viên nữ".
Nguồn tin: PhụnữViệtnam