Nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” và đề xuất giải pháp trong thời gian tới, sáng 25/7, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền Bắc tại tỉnh Yên Bái.
Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận TW; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức TW; Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Hội thảo diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo UBND, Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ban Dân tộc và Hội LHPN 25 tỉnh/thành phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: “5 năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự tích cực, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp hội phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số của khu vực các tỉnh miền Bắc đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước. Nhiều cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội”.
Về công tác phụ nữ, ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ, gia đình và trẻ em như: vấn đề đô thị hóa tăng nhanh; môi trường ô nhiễm; mất vệ sinh an toàn thực phẩm; các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em, lừa đảo, mất an ninh trên môi trường mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng… thì ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là tình trạng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, khó khăn về hạ tầng giao thông, dịch vụ xã hội, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động tiêu cực, đến đời sống người dân, trong đó có phụ nữ. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội như sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, tái mù chữ, suy dinh dưỡng, tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ, trẻ em, tiếp cận tài chính, thông tin, pháp luật hay những định kiến giới còn tồn tại dai dẳng đang cản trở sự phát triển bền vững ở khu vực này.
Để giải quyết những vấn đề đó, cùng với các chương trình, đề án, dự án chung của Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ; song những nỗ lực đó vẫn chưa đủ mạnh, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao.
Về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ nữ khá cao, thậm chí cao nhất so với cả nước. Tỷ lệ nữ cấp ủy, nữ chủ chốt HĐND các cấp, nữ Bí thư, Phó bí thư tăng hơn nhiệm kỳ trước. Nhiều tỉnh được nhắc đến với con số “nhất” của cả nước như Tuyên Quang cao nhất về tỷ lệ nữ cấp ủy tỉnh, Lạng Sơn cao nhất về tỷ lệ nữ cấp ủy cấp huyện, Thành phố Hải Phòng cao nhất về cấp ủy cấp cơ sở, Hòa Bình cao nhất về tỷ lệ cấp ủy viên nữ là người dân tộc thiểu số… Tỉnh Yên Bái cũng là địa phương có nhiều điểm sáng với tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều đạt trên 15%; đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 50% (tăng 16,7% so với nhiệm kỳ trước), xếp hạng 5 trong toàn quốc và hạng ba trong khu vực 25 tỉnh miền Bắc và có Đề án “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” được Tỉnh ủy phê duyệt triển khai từ năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; vẫn còn huyện, xã không có cán bộ nữ trong ban thường vụ, cá biệt còn xã không có cấp ủy viên là nữ… Tỷ lệ các cơ quan của Chính phủ và UBND các cấp có nữ lãnh đạo chủ chốt còn thấp so với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết: “Quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn dành sự quan tâm sâu sắc, ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nghị quyết, đề án, chính sách quan trọng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới”. Tỷ lệ lao động nữ tham gia làm việc trong nền kinh tế ngày càng tăng, chiếm 45% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong 5 năm qua, tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề bình quân hàng năm đạt trên 65%, tăng 3,8% so với nhiệm kỳ trước; trong đó, tỷ lệ được tạo việc làm mới đạt gần 43%.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, hiện chiếm 62,3% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị và chiếm 45,3% trong tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Tỷ lệ nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX đạt 23,8%, tăng 1,3% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp chiếm 22,5%, cao hơn nhiệm kỳ trước và thuộc nhóm cao trong 63 tỉnh, thành phố; trong đó, cấp tỉnh là 20,8%, cấp huyện là 21,6%, cấp xã là 22,7% (cao hơn bình quân chung cả nước lần lượt là 7,5%, 4,3% và 0,8%). Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 50%; tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 34,4%, tăng 1,4% so với nhiệm kỳ trước (cao hơn 5% so với bình quân chung của của nước). Trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đều có cán bộ nữ.
“Chị em phụ nữ đã được tạo cơ hội, môi trường để nâng cao trình độ, năng lực, tham gia phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định đời sống, chăm sóc sức khoẻ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Cùng với chị em phụ nữ cả nước, phụ nữ tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, chủ động, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”, theo Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy.
Thông qua chương trình, Chủ tịch Hà Thị Nga mong muốn, các ý kiến trao đổi, tham luận tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là phân tích những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phụ nữ, việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa phương, việc thực hiện các chỉ tiêu về cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW và Chỉ thị 21/CT-TW. Từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực sự mạnh mẽ, có tính đột phá để tổ chức thực hiện trong thời gian tới, sớm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, các chỉ tiêu đã đề ra.
Nguồn tin: