Thực hiện Kế hoạch số 547/KH-ĐCT ngày 03/7/2024 của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong các cấp Hội giai đoạn 2024-2030; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thái Bình xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong các cấp Hội giai đoạn 2024-2030 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, trách nhiệm của Hội LHPN các cấp, năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ, cha mẹ, người chăm sóc trẻ đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp Hội với các cơ quan, ban ngành liên quan, phát huy vai trò cầu nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, gắn với nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác trẻ em của Đảng, Nhà nước và các địa phương.
2. Việc triển khai thực hiện phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Đề án, Cuộc vận động, Chương trình do Hội triển khai, đảm bảo đồng bộ với việc đẩy mạnh thực hiện các nội dung chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch”, an toàn cho phụ nữ và trẻ em của Hội.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội với các cơ quan, ban, ngành liên quan, phát huy vai trò cầu nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
2. Mục tiêu cụ thể:
(1) 100% cán bộ tham mưu thực hiện công tác trẻ em của Hội LHPN cấp tỉnh/huyện; 90% trở lên cán bộ Hội các cấp được quán triệt nội dung của Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 28); Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 02), Quyết định số 1591/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 – 2030 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1591), được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó tập trung vào giáo dục làm cha mẹ, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe mồ côi, phòng ngừa bạo lực, đảm bảo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt là giúp trẻ được an toàn trong gia đình và trong chính ngôi nhà của mình…
(2) 100% các cơ sở Hội triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tập huấn về nội dung giáo dục làm cha mẹ cho phát triển toàn diện của của trẻ thơ; 80% hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con trong độ tuổi 0-8 tuổi được tiếp cận, cung cấp các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em toàn diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em; chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng, nhân diện các mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; các mô hình hỗ trợ cha mẹ hiệu quả trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; hỗ trợ 100% trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.
(3) 100% cơ sở Hội triển khai thực hiện có hiệu quả, bền vững Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Mỗi cơ sở Hội đăng ký đỡ đầu ít nhất 01 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai các chỉ thị, quyết định của Đảng, chính phủ, các nội dung trọng tâm của Hội về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tới cán bộ Hội các cấp
- Tập trung chỉ đạo, quán triệt và triển khai đầy đủ các nội dung của các Chỉ thị 28, Chỉ thị số 02, Quyết định số 1591 tới 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ với nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị và từng đối tượng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, xác định trách nhiệm cụ thể của các cấp Hội trong chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đặc biệt nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu.
- Tiếp tục tổ chức, triển khai hiệu quả các chương trình chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, trẻ em mồ côi theo các Chỉ thị, Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ; các chương trình, Đề án Hội được giao nhiệm vụ như Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và “Gia đình 5 có, 3 sạch”, Giáo dục làm cha mẹ… đảm bảo tối đa số trẻ em, đặc biệt là trẻ em yếu thế, trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trên nhiều phương diện như chăm lo đời sống, nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, phát triển toàn diện thể chất, tinh thần, sức khỏe tâm thần… phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
- Chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Lưu ý lựa chọn các kênh truyền thông của Hội như trang Website, Fanpage, nhóm Zalo; tổ chức các diễn đàn, hội thi, giao lưu …về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận của hội viên, phụ nữ tại địa phương.
- Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong triển khai, phối hợp thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí thư TW Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các nội dung hoạt động của Hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
2. Xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, phát huy vai trò của người phụ nữ (người bà, người mẹ, người chị) trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
- Chỉ đạo các cấp Hội tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, trong đó phát huy vai trò của gia đình, của người bà, người mẹ, người chị trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong việc xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, đặc biệt chú trọng xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ; tăng cường các hoạt động giáo dục trước hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ, chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc sức khỏe trẻ yếu thế, trẻ mồ côi, bảo vệ, góp phần đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW, Chỉ thị số 02/CT-TTg, Quyết định số 1591/QĐ-TTg, cụ thể:
(1) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em phù hợp theo từng độ tuổi, góp phần hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em; mở rộng quy mô, đối tượng cha mẹ/người chăm sóc trẻ trong độ tuổi từ 0-8 được tiếp cận khóa học online Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện của trẻ thơ.
(2) Triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, trẻ mồ côi và yếu thế; bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ mất an toàn, bạo lực và xâm hại, chú trọng việc bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng.
(3) Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về định hướng nghề nghiệp cho trẻ; phối hợp tổ chức các lớp giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ cho nam nữ trong độ tuổi kết hôn…
- Xây dựng các chương trình, đa dạng hóa các hình thức triển khai nội dung, cung cấp các kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục làm cha mẹ, về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong các hoạt động truyền thông, tập huấn các nội dung liên quan đến trẻ em cho hội viên, phụ nữ, cha mẹ tại các buổi sinh hoạt chi hội, mô hình/CLB phụ nữ tại cộng đồng. Hoàn thành nội dung triển khai toàn diện Chương trình Giáo dục làm cha mẹ trong năm 2024-2025 gắn với nội dung hoạt động theo chủ đề năm của Đề án 938, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”.
- Thành lập, nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình, điển hình trong triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại địa phương, đặc biệt là các mô hình giáo dục làm cha mẹ. Khuyến khích việc xây dựng, nhân rộng các mô hình làm cha mẹ gắn liền với việc phát huy các sáng kiến về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, đảm bảo trẻ được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng. Đảm bảo việc xây dựng các mô hình, điển hình hoặc rà soát các mô hình hiện có để điều chỉnh cho phù hợp/nâng cao chất lượng hoạt động trong năm 2024, nhân rộng các mô hình, điển hình trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
3. Chủ động, sáng tạo trong việc triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm duy trì tính bền vững, hiệu quả và thực chất
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 26/KH-BTV, ngày 04/11/2021, Hướng dẫn số 03/HD-BTV, ngày 16/3/2022 của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin về trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn mới phát sinh tại địa phương, tránh các trường hợp hỗ trợ trùng lặp hoặc bị bỏ sót trong quá trình thực hiện đỡ đầu; chú trọng các hình thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của trẻ em và trẻ em mồ côi. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Chương trình để nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ, cộng đồng xã hội về ý nghĩa của Chương trình; chú trọng việc cung cấp các thông tin, xây dựng các tài liệu, tổ chức các hoạt động tập huấn, diễn đàn… về Chương trình “Mẹ đỡ đầu” để góp phần tư vấn, hỗ trợ hiệu quả các đối tượng trẻ mồ côi.
- Tiếp tục kết nối để các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu. Nâng cao năng lực cho các “Mẹ đỡ đầu”, người chăm sóc thay thế cho trẻ mồ côi tại địa phương.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật, rà soát số liệu về trẻ mồ côi và thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”; thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động đỡ đầu các con mồ côi, cụ thể: thời gian, cách thức đỡ đầu, số tiền hỗ trợ, điều kiện sinh sống, học tập, sức khỏe của nhóm trẻ mồ côi đã được nhận đỡ đầu… để kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và đề xuất hướng giải quyết (nếu có). Tổ chức sơ/tổng kết đánh giá định kỳ hoạt động, hiệu quả của Chương trình.
4. Chủ động phát huy vai trò của các cấp Hội trong giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến trẻ em
- Tích cực tham gia thực hiện giám sát đối với việc thực thi các chính sách đối với trẻ em, đặc biệt về quyền của trẻ em. Chủ động, tham mưu cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm đến trẻ em, chú trọng tới đối tượng trẻ em yếu thế. Tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là việc thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ mồ côi và các hoạt động phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến trẻ em. Tham gia chất lượng vào các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về trẻ em.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng hướng dẫn và khai thác thực hiện chính sách pháp, pháp luật, các chương trình, đề án về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi, giáo dục làm cha mẹ, phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong trẻ em, học sinh, sinh viên…
- Thực hiện có trách nhiệm việc lên tiếng và tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ em yếu thế, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi…
5. Đẩy mạnh phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, vận động nguồn lực xã hội cho công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em
- Tăng cường phối hợp với cấp ủy chính quyền, các ban, ngành liên quan để ưu tiên, quan tâm bố trí nguồn lực triển khai các chương trình tư vấn, hướng dẫn làm cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần; truyền thông nâng cao kiến thức về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”.
- Đẩy mạnh việc kết nối, vận động và mở rộng nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, ưu tiên vào các nội dung giáo dục làm cha mẹ, chăm sóc sức khỏe tâm thần, Chương trình “Mẹ đỡ đầu”…
- Nghiên cứu, tìm hiểu một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc thay thế đối với trẻ em mồ côi làm cơ sở đề xuất chính sách.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội LHPN tỉnh
- Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong các cấp Hội giai đoạn 2024-2030 và triển khai tới Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị.
- Phân công Ban Gia đình, Xã hội - Kinh tế là đầu mối tham mưu cho Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chú trọng đến nội dung giáo dục làm cha mẹ; Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, trẻ mồ côi và trẻ em yếu thế; đẩy mạnh việc khai thác các nguồn lực, mở rộng phạm vi, quy mô của giáo dục làm cha mẹ trên các nền tảng online, tạo điều kiện tuyên truyền để đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ được tiếp cận với các khóa học Làm cha mẹ; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu cho Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh thực hiện việc sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản chỉ đạo trong hệ thống Hội.
- Ban Tuyên giáo - Tổ chức - Chính sách, Luật pháp: Chủ động triển khai công tác tuyên truyền thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục bảo vệ trẻ em trên các kênh thông tin của Hội (Bản tin sinh hoạt hội viên, Website, Fanpage, Zalo OA, nhóm Zalo...). Tham mưu phối hợp và đầu mối tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, kiến nghị và lên tiếng, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến quyền trẻ em, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong trẻ em, học sinh, sinh viên, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, đề xuất chính sách trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
2. Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị
- Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị căn cứ vào Kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong các cấp Hội giai đoạn 2024-2030 của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh và tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị cụ thể hoá vào Chương trình công tác Hội và triển khai, tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với các phòng, ban, các tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
- Hội LHPN các huyện, thành phố định kỳ 6 tháng, 1 năm tiến hành sơ kết, tổng kết các Chỉ thị, Quyết định của Trung ương Đảng, Chính phủ trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ban Gia đình, Xã hội - Kinh tế Hội LHPN tỉnh để tổng tổng hợp.
Nguồn tin: