Trong thời gian qua, để góp phần thực hiện khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả” và khâu đột phá “Xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã chú trọng xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Để triển khai thực hiện hiệu quả khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã đề ra 5 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, có chỉ tiêu: 100% cơ sở hội có các mô hình “1+1”; và mô hình “3 có, 3 biết”; xây dựng, củng cố ít nhất 1 mô hình thu hút hội viên đặc thù hoạt động sáng tạo, hiệu quả.
Mô hình “1+1” gồm các nội dung là: 1 chi hội mạnh giúp/ kết nghĩa 1 chi hội kém hơn; 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức Hội; 1 nữ cán bộ, công chức, viên chức/ cán bộ Hội/ hội viên có điều kiện hỗ trợ 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn; 1 đảng viên nữ bồi dưỡng, giới thiệu phát triển Đảng 1 cán bộ chi, tổ phụ nữ.
Mô hình “3 có, 3 biết” gồm: Có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động; biết mặt hội viên, biết hoàn cảnh hội viên và biết nhu cầu hội viên, phụ nữ.
Góp sức thực hiện chỉ tiêu trên, Hội LHPN các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã chủ động hướng dẫn các cơ sở Hội triển khai xây dựng, thành lập, ra mắt mô hình; 100% các cơ sở Hội đã triển khai kế hoạch thành lập mô hình đến đội ngũ ban chấp hành, cán bộ chi trưởng, chi phó tại địa phương; đã có 104 cơ sở Hội xây dựng, ra mắt 376 mô hình “1+1”; 98 cơ sở Hội xây dựng, ra mắt 443 mô hình “3 có, 3 biết”.
Đại diện lãnh đạo đảng ủy, UBND xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy phát biểu trong lễ ra mắt mô hình “1+1”, “3 có, 3 biết”
Tiêu biểu như tại huyện Thái Thụy, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Hội triển khai xây dựng mô hình “1+1”, mô hình “3 có, 3 biết”; 100% các cơ sở Hội nghiêm túc triển khai thực hiện, chủ động hướng dẫn các chi hội xây dựng mô hình; tính đến tháng 9/2024, 254/254 chi hội phụ nữ xây dựng mô hình “3 có, 3 biết”, 184/254 chi hội phụ nữ xây dựng mô hình “1+1”. Tại huyện Vũ Thư, đã có 22/30 cơ sở Hội tổ chức hội nghị ra mắt, duy trì hoạt động của 294 mô hình “1+1” và mô hình “3 có, 3 biết”.
Hội nghị ra mắt mô hình “1+1”, “3 có, 3 biết” tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư
Bên cạnh đó, để thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả” và khâu đột phá “Xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI, các cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tiếp tục triển khai, xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình “Nhóm cán bộ chi, tổ phụ nữ cùng tiến”, “Chi, tổ phụ nữ đồng hành vượt khó”.
“Nhóm cán bộ chi, tổ phụ nữ cùng tiến” dành cho đối tượng chi hội trưởng, chi hội phó chi hội phụ nữ thôn, tổ dân phố thuộc Hội LHPN xã, phường, thị trấn; tổ trưởng, tổ phó tổ phụ nữ. Trên cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ chi, tổ phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN xã phân nhóm cán bộ chi, tổ phụ nữ cùng tiến với số lượng mỗi nhóm: từ 2 - 3 người; trong mỗi nhóm: có thể có cả cán bộ chi và cán bộ tổ phụ nữ; có cả “cán bộ giỏi” và “cán bộ chưa giỏi”; cần có ít nhất 01 “Chi trưởng giỏi”/ nhóm. Tùy tình hình cán bộ chi, tổ phụ nữ của từng xã, phường, thị trấn mà ghép nhóm cho phù hợp như: 01 giúp 01; 02 giúp 01; người giỏi “lĩnh vực A” giúp người chưa giỏi “lĩnh vực A”...
“Chi, tổ phụ nữ đồng hành vượt khó” dành cho ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN xã, phường, thị trấn; chi hội phụ nữ và cán bộ, hội viên của chi hội phụ nữ; tổ phụ nữ và cán bộ, hội viên của tổ phụ nữ. Ban Thường vụ Hội LHPN xã căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng của chi hội trong những năm trước để phân tích cụ thể chất lượng của từng chi hội, tổ phụ nữ theo lĩnh vực hoạt động (tuyên truyền/ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc/ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế/ quản lý, tập hợp hội viên...) về: ưu điểm (cách làm sáng tạo; kết quả hoạt động tốt; các mô hình/ hoạt động hiệu quả...); hạn chế, nguyên nhân hạn chế...
Trên cơ sở đánh giá, phân tích chất lượng của chi hội, tổ phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN xã ghép các nhóm chi hội, tổ phụ nữ đồng hành theo hướng: Chi hội, tổ phụ nữ có kết quả nổi trội (gọi tắt là chi hội, tổ phụ nữ mạnh) từng lĩnh vực: tuyên truyền/ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc/ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế/ quản lý, tập hợp hội viên sẽ ghép với chi hội, tổ phụ nữ chưa tổ chức được các hoạt động trên hoặc chất lượng các hoạt động còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu Hội LHPN cơ sở giao (gọi tắt là chi hội, tổ phụ nữ chưa mạnh). Số lượng mỗi nhóm: 2 chi hội/ nhóm; 2- 3 tổ phụ nữ/ nhóm. Tùy tình hình chi, tổ phụ nữ của từng xã, phường, thị trấn mà ghép nhóm cho phù hợp như: 01 chi hội phụ nữ mạnh giúp 01 chi hội phụ nữ chưa mạnh; 01 tổ phụ nữ mạnh giúp 01 tổ phụ nữ chưa mạnh; 02 tổ phụ nữ mạnh giúp 01 tổ phụ nữ chưa mạnh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có 148 cơ sở Hội xây dựng 230 mô hình “Nhóm cán bộ chi, tổ phụ nữ cùng tiến” và 94 cơ sở Hội xây dựng 169 mô hình “Chi, tổ phụ nữ đồng hành vượt khó”.
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện đảm bảo chỉ tiêu về thành lập các mô hình xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, mô hình thu hút hội viên đặc thù góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả” và khâu đột phá “Xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh” trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI.
Nguồn tin: Hội LHPN tỉnh Thái Bình