Nỗi đau đầu "giặc" bèo tây chấm dứt khi vợ chồng anh Nguyễn Trường Giang (trú tại thôn Thọ Trung, xã Minh Phú, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đưa nghề đan bèo tây về xã Minh Phú. Từ chỗ là thứ cây bỏ đi, giờ đây, bèo tây trở thành nguồn nguyên liệu tạo ra những sản phẩm thủ công bền, đẹp, thân thiện với môi trường.
Nghề đan bèo tây tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nữ lớn tuổi ở xã Minh Phú
Xã Minh Phú (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là một địa phương thuần nông. Chừng 15 năm trở về trước, bèo tây được xem như "giặc cỏ" mặt nước.
Ban đầu, bèo tây được dùng để xử lý các vùng nước bị ô nhiễm, làm thức ăn gia súc, phân bón nhưng do tốc độ sinh trưởng quá nhanh, nhất là "nước càng ô nhiễm, bèo tây càng phát triển" nên chỉ trong thời gian ngắn, nhiều dòng sông, kênh rạch của xã bị loại bèo này phủ kín.
Đều đặn hàng năm, chính quyền xã Minh Phú đều phải chi ngân sách để thuê nhân công vớt bèo nhằm khơi thông dòng chảy, tránh nước ngập gây mất mùa vụ lúa Hè Thu.
Những sản phẩm thủ công được làm từ cây bèo tây
Nỗi đau đầu "giặc" bèo tây chấm dứt khi vợ chồng anh Nguyễn Trường Giang (trú tại thôn Thọ Trung) đưa nghề đan bèo tây về xã Minh Phú. Từ chỗ là thứ cây bỏ đi, giờ đây, bèo tây trở thành nguồn nguyên liệu tạo ra những sản phẩm thủ công bền, đẹp, thân thiện với môi trường.
Nghề đan bèo tây cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ những lúc nông nhàn. Công ty TNHH Diệp Thảo Minh do anh Giang làm Giám đốc được thành lập vào năm 2006.
Thời gian đầu, đây chỉ là một cơ sở nhỏ với vài lao động, sản phẩm cũng chưa đa đạng và nguồn nguyên liệu, thành phẩm đều phụ thuộc vào một công ty khác nên việc kinh doanh không phát triển. Để có nguồn nguyên liệu dồi dào hơn, anh Giang tiến hành thu mua bèo tây được người dân trong xã thu hoạch và phơi khô.
Nghề đan bèo tây mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Thu lúc nông nhàn
Bên cạnh việc tuyển thêm lao động làm việc tại công ty, vợ chồng anh Giang còn hướng dẫn nghề đan bèo tây tới người dân trong thôn, xóm. Những người muốn làm nghề này đều được vợ chồng anh tận tình hướng dẫn và cung cấp nguyên liệu, khung về nhà làm khi thạo nghề.
Đến nay, nghề đan bèo tây không chỉ tạo việc làm ổn định cho hơn 10 thành viên của gia đình anh Giang mà còn cho gần 300 lao động nữ tại địa phương lúc nông nhàn.
Nhận thấy mô hình đan bèo tây xuất khẩu có thể tăng thu nhập cho người dân, anh Giang đã liên kết với Hội LHPN xã Minh Phú triển khai mô hình tới những phụ nữ trong xã có nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Phú, cho biết: "Nhiều năm qua, nghề đan bèo tây cùng với một số nghề phụ đã góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân xã Minh Phú".
Nguồn tin: PhụnữViệtNam