Về Vũ Vân hỏi về bà Nguyễn Thị Mận nhiều người đều biết đến với vẻ tự hào: “Bà ấy là anh hùng vác đất quê chúng tôi đấy”. Với bà, dù 56 năm đã qua đi nhưng mỗi dịp tháng 5 đến gần sinh nhật Bác, kỷ niệm vinh dự 2 lần được gặp Người vẫn luôn in đậm trong ký ức nữ anh hùng.
76 tuổi đời, người nữ Anh hùng lao động Nguyễn Thị Mận thôn Việt Thắng xã Vũ Vân vẫn sôi nổi, hào hứng và đặc biệt vô cùng minh mẫn khi kể về quãng thanh xuân vác đất, đào sông cùng đồng đội. Kí ức ùa về như mới hôm qua. Trong căn nhà nhỏ, bà cẩn thận và nâng niu lần giở những hình ảnh kỉ niệm, rồi các huân huy chương cả cuộc đời luôn đau đáu.
Thời niên thiếu của bà gắn với tháng năm miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại, miền Nam chiến tranh ác liệt. Bà cũng như nhiều thanh niên lúc bấy giờ, nhiệt huyết tuổi trẻ hòa cùng lòng yêu nước, đã xung phong tham gia các phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”. Năm 1964, cô thôn nữ nhỏ bé với cân nặng chưa đến 40 kg tham gia dân công vào Đội thủy lợi Quang Trung của xã Vũ Vân – đội có nhiệm vụ đắp đê, đắp bờ chống úng bảo đảm an toàn của nhân dân và phục vụ sản xuất của hai thôn: Việt Thắng, Quang Trung xã Vũ Vân. Nhờ tích cực hoạt động, 1 năm sau đó, Nguyễn Thị Mận được kết nạp Đảng và được bầu làm Đội trưởng Đội thủy lợi xã Vũ Vân kiêm Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân sông Hồng với nhiệm vụ: Tổ chức lao động sản xuất song song với tổ chức chiến đấu khi có tình huống. Giặc đánh phá đến đâu, các đội thủy lợi, trong đó có Đội thủy lợi Quang Trung lại mau chóng xông pha khắc phục hậu quả, gánh đất đắp lại đê, bảo đảm thủy lợi phục vụ sản xuất. Những đôi vai gầy thiếu nữ, trong đó có Mận lúc bấy giờ không ít lần sưng tấy, lở loét, phải dùng nước lá bạch đàn để sát trùng. Bao gian khổ chẳng thể nói hết bằng lời. Có lần, Nguyễn Thị Mận bị đất đá do bom Mỹ giội vùi lấp. Rất may, người chú ruột là Nguyễn Văn Thuấn biết vị trí cháu bị vùi đã bới đất lên và đưa Mận vào nơi trú ẩn. Do sức ép của bom, Mận bị ngất, mọi người tưởng cô đã hy sinh. Nhưng rất may được sơ cứu, cấp cứu kịp thời nên Mận đã tỉnh lại. Và chỉ sau một ngày tĩnh dưỡng, cô lại ra công trường, trận địa chỉ huy đội thủy lợi, các chiến sĩ Trung đội nữ dân quân thực hiện nhiệm vụ và đánh trả giặc Mỹ.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là lần dầm mình dưới nước 10 ngày đêm liên tục để khắc phục đoạn đê bị bom Mỹ phá hoại: “Đoạn đê bị bom bắn phá,cắt sâu vào thân đê 3m, dài hàng chục mét. Gần 10 ngày đêm, Trung đội nữ dân quân sông Hồng chúng tôi thức trắng ngâm mình dưới nước để hàn, gia cố, sửa thân đê cứu nguy cho hàng trăm héc-ta lúa tại 4 huyện: Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ và Thái Thụy không bị chìm trong biển nước nếu đê vỡ. Máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, các nữ dân quân vừa lao động, vừa chiến đấu. Trong lúc hàn đê, nếu gặp máy bay Mỹ đánh phá là cả trung đội rời công việc lao lên trận địa đánh trả”.
Làm thủy lợi cơ cực, nếu chỉ sức người thì khó mà hiệu quả bền lâu. Sau thời gian dài trăn trở, rồi được đi tham quan công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Nguyễn Thị có sáng kiến thay chiếc xe cải tiến thành xe rùa bằng gỗ. Chiếc xe rùa đã lập thành tích với các ưu điểm: Dễ cơ động, giảm nhân lực từ 3-4 người nếu sử dụng xe cải tiến xuống chỉ cần một người. Thành công đã tiếp sức cho nhiệt huyết sáng tạo. Áp dụng kỹ thuật kéo vó bè, Mận sáng tạo thêm trục quay và cho ra đời chiếc “cần cẩu” để lấy đất dưới lòng sông đưa vào bờ đắp đê. Đồng thời, Mận nghĩ ra cách vận chuyển đất qua các địa hình phức tạp bằng cầu lao, hay sáng tạo kéo cắt đất bằng khung gỗ và dây thép thay mai đào đất… Nhờ vậy, tuyến đê các sông Kiến Giang, sông Lân, tuyến đê sông Hồng, Trà Lý… dần dần được đắp vững chắc. Lòng sông, lòng kênh được nạo vét, lúa đồng no nước tốt tươi. Nhờ sáng kiến cải tiến công cụ của Nguyễn Thị Mận đã giúp năng suất lao động của Đội tăng hơn 300% so với trước kia. Sau đó, các đội thủy lợi trong tỉnh đồng loạt phát động phong trào thi đua học và làm theo Đội thủy lợi Quang Trung, tích cực đào sông, đắp đê, làm thủy lợi phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966.
Nhờ thành tích cải tiến công cụ, đưa năng suất lao động cao, vượt thời gian quy định nên Đội thủy lợi Quang Trung do Nguyễn Thị Mận làm Đội trưởng được tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ 3 năm liền, Nguyễn Thị Mận được công nhận chiến sĩ thi đua 2 năm liên tục. Tháng 1/1967, khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Thị Mận được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và được tham dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước tại Hà Nội. Nhiều người nể phục, yêu quý gọi Nguyễn Thị Mận là “Anh hùng vác đất”.
56 năm đã qua đi nhưng kỷ niệm 2 lần gặp Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong ký ức nữ anh hùng Nguyễn Thị Mận. Lần 1 là buổi tối trước ngày diễn ra Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước. Hồi đó người dân như Mận chỉ được nhìn Bác qua ảnh là quý lắm rồi. Việc gặp Bác là cơ mật không được báo trước. Đến khi được diện kiến Người thì Mận cùng đoàn òa lên khóc. Ánh mắt người nữ anh hùng ở tuổi thất thập cổ lai hy rưng rưng khi nhớ về Người: “Bác đi lại rất nhanh nhẹn, đi vào một đường, đi ra đường khác. Bác hỏi tôi ở đâu, khi biết ở Thái Bình bác rất vui, vì năm đó Thái Bình đạt 5 tấn/ha. Bác ân cần thăm hỏi khiến bản thân tôi và anh em trong đoàn rất xúc động. Người như người Cha ấm áp”
Khi Đại hội vừa kết thúc, Mận lại vinh dự được diện kiến Người. Lần này Bác thưởng cho người nữ anh hùng mấy điếu thuốc lá và kẹo. Bác căn dặn Mận phải tiếp tục cố gắng học tập, lao động, đóng góp công sức và trí tuệ cho đất nước, cho nhân dân.
Hòa bình lập lại, anh hùng Nguyễn Thị Mận tiếp tục học tập, công tác phục vụ tỉnh. Năm 1970, bà được điều về công tác tại Ty Thủy lợi tỉnh Thái Bình. Sau đó tiếp tục đi học cấp III, học đại học rồi về làm kế toán ở Sở Thủy lợi (sau này là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Từ khi nghỉ hưu đến nay, bà vẫn tích cực tham gia các hội đoàn thể, các phong trào ở địa phương. Đặc biệt nhiều lần bà được mời kể chuyện truyền thống cho các cháu học sinh trong xã. Tuổi già như vậy là đủ ấm êm. “Cả khi công tác hay khi nghỉ chế độ, tôi luôn tâm niệm lời Bác dặn, phấn đấu để bản thân và người thân trong gia đình sống, lao động, học tập theo gương Bác” – Bà Mận nói.
“Nắng của ngày hôm qua không thể phơi khô quần áo của ngày hôm nay.” Nhiều người vẫn hay nói như vậy. Với người nữ anh hùng lao động Nguyễn Thị Mận, ở tuổi 77, bà không còn nuối tiếc quá khứ, hay lo lắng cho tương lai. Nhưng bà vẫn luôn đong đầy tự hào vì cả tuổi trẻ sôi nổi nhiệt huyết cùng phong trào của đất nước, cuộc đời vinh dự 2 lần được gặp Bác kính yêu.
Nguồn tin: