Từ quyết tâm của bản thân, sự đồng hành của gia đình và các cấp hội phụ nữ, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã phát huy được năng lực, sở trường, lợi thế của địa phương, xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập khá. Thành công của các chị không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn động viên, khích lệ nhiều chị em khác học tập, khởi nghiệp, làm giàu.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty của chị Đặng Thị Minh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải).
Liên kết với các tàu khai thác hải sản, hình thành chuỗi khép kín từ khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là hướng khởi nghiệp của vợ chồng chị Đặng Thị Minh, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Mỗi năm, Công ty TNHH Hải sản Ngọc Minh của vợ chồng chị thu mua, chế biến và tiêu thụ khoảng 1.800 tấn hải sản các loại. Phần lớn hải sản được sơ chế, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp thực phẩm trong và ngoài tỉnh, còn lại Công ty chế biến thành chả cá, chả tôm, nõn tôm, tép sấy, cá kho... Công ty có 6 sản phẩm hải sản chế biến được công nhận sản phẩm OCOP. Chị Minh cho biết: Các sản phẩm hải sản chế biến của Công ty đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng, đại lý tại các tỉnh, thành phố và còn được giới thiệu, giao dịch trên một số sàn thương mại điện tử, doanh thu đạt hơn 16 tỷ đồng/năm. Công ty tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 - 9 triệu đồng/ người/tháng. Trong quá trình khởi nghiệp, tôi đã nhận được sự đồng hành của các cấp hội phụ nữ thông qua việc kết nối để tiếp cận các nguồn vốn vay, giới thiệu sản phẩm của Công ty.
Ở thôn Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy), chị Đỗ Thị Tuyết đang sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình để đầu tư nuôi thỏ sinh sản và thương phẩm. Hiện chị có 100 thỏ mẹ, mỗi năm xuất 4 lứa thỏ con và thương phẩm. Từ nuôi thỏ, mỗi năm gia đình chị có thu nhập khoảng 120 triệu đồng.
Chị Tuyết cho biết: Tùy điều kiện, mỗi chị em được vay 10 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ tỉnh để phát triển kinh tế, chăn nuôi trang trại, gia trại, đầu tư con giống để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đồng thời, chị em còn được giao lưu thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Mô hình nuôi thỏ của chị Đỗ Thị Tuyết, thôn Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy).
Cùng với chị Minh, chị Tuyết, toàn tỉnh có hàng trăm phụ nữ làm kinh tế giỏi. Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thông tin: Để tạo khí thế thi đua phát triển kinh tế, khởi nghiệp, các cấp hội tập trung cho công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của hội viên, phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp: thực hiện tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, vận động người sản xuất phải tuân thủ khoa học kỹ thuật, có sự liên kết trong sản xuất, bảo đảm sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, tổ chức hội tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay giúp hội viên, phụ nữ có vốn phát triển sản xuất; duy trì các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo có địa chỉ thoát nghèo; động viên phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; nhân rộng những mô hình điển hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ học hỏi, từ đó thay đổi tư duy, giúp chị em chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình... Đến nay đã có hơn 54.000 hội viên, phụ nữ được vay hơn 3.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ đã thành lập mới 1 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi sự kinh doanh cho gần 600 cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Với sự đồng hành của tổ chức hội, chị em phụ nữ có thêm cơ hội, niềm tin, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình đồng thời tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Nguồn tin: Báo Thái Bình