“Từ khi còn trẻ, tôi đã có đam mê với nghề chăn nuôi, trồng trọt. Đến khi có gia đình, tôi mạnh dạn thực hiện ước mơ làm giàu, chuyển 1,4 mẫu ruộng trồng cấy sang làm trang trại chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình” - chị Nguyễn Thị Chanh, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Minh Đức, xã Lô Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Chanh thành công thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê nhà của mình
Học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và các mô hình trong và ngoài tỉnh
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có truyền thống làm nông nghiệp, chị luôn mong có thể làm giàu trên mảnh đất quê mình. "Lúc mới lập gia đình, tôi cũng chăm chỉ vừa làm ruộng, trồng rau, vừa nuôi lợn, gà để cải thiện kinh tế cho gia đình. Thế nhưng, sau nhiều năm vất vả mưu sinh, tôi nhận ra, việc phát triển kinh tế gia đình nếu chỉ xoay quanh mấy sào lúa và chăn nuôi nhỏ thì không thể vươn lên thoát nghèo" - chị Chanh kể.
Năm 2017, chị bàn với chồng chuyển đổi 1,4 mẫu ruộng để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi. Ban đầu, gia đình chị đào 8 sào ao thả cá thương phẩm, với 2.500 cá thương phẩm các loại như: Cá trôi, cá mè, cá chép…. Lúc này, chị phải tự học hỏi kiến thức chăn nuôi trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn nuôi cá nước ngọt, cá thương phẩm do Hội LHPN địa phương phối hợp tổ chức để tích lũy kinh nghiệm.
Rất may, việc chăn nuôi cá thương phẩm của gia đình chị gặp nhiều thuận lợi. Để "lấy ngắn nuôi dài", chị thiết kế thêm lồng nuôi ốc nhồi. Chị cho biết: "Mới đầu, tôi chỉ làm 4 ô lồng, nuôi 10 vạn con ốc nhồi. Mỗi năm thu nhập từ nuôi cá và ốc đạt 100 triệu đồng/năm. Đến năm 2022, sau nhiều lần đi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, tôi bàn với chồng từng bước mở rộng quy mô, phát triển kinh tế gia đình theo hướng mô hình trang trại tổng hợp như: Chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, nuôi gà thịt, thả cá, nuôi ốc nhồi, nuôi cua, nuôi chạch. Tôi cho xây thêm 3 dãy chuồng, chia thành 7 ô để nuôi lợn thịt. Mỗi lứa, tôi nuôi khoảng 10 con lợn nái, 70 con lợn thịt, 30 con lợn con".
Chị chia sẻ thêm: "Để theo dõi chu kỳ sinh sản, chăm sóc lợn mẹ tốt nhất, ở mỗi ô chuồng, tôi đều gắn bảng hiệu và ghi chép cẩn thận thời gian phối giống, sinh sản, loại thức ăn. Bên cạnh đó, để bảo đảm vệ sinh môi trường, tôi đầu tư xây hầm biogas có thể tích 20 khối, để xử lý chất thải chăn nuôi, giữ vệ sinh môi trường của gia đình".
Chị Nguyễn Thị Chanh tất bật với công việc ở trang trại chăn nuôi gia đình. Chị cũng là hội viên tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội phụ nữ thôn Minh Đức và Hội LHPN xã Lô Giang
Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, có khoa học, đàn lợn của gia đình chị lớn nhanh, ít bị dịch bệnh. Mỗi năm, chị bán ra thị trường khoảng 20 tấn lợn thịt. Ngoài việc duy trì nuôi cá thương phẩm, hiện nay gia đình chị đầu tư 4 sào ao để nuôi 10 vạn con ốc nhồi/lứa; 400 con gà thịt/lứa. Ngoài ra, gia đình chị còn nuôi cua, tôm, chạch.
"Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng gần 12 vạn con gà, ngan, vịt với tổng số lượng là 3 tấn ngan, gà, vịt; xuất bán trên 1 tấn ốc thịt/năm; 2 tạ cua, 5 tạ chạch/năm. Lợi nhuận thu từ trang trại của gia đình tôi đạt khoảng 300 triệu đồng/năm" - chị Chanh cho biết.
Vận động gia đình, phụ nữ trong thôn tham gia bảo vệ môi trường sống
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị sẵn sàng giúp đỡ các chị em trong chi Hội muốn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, con giống để phát triển chăn nuôi như mình.
Chị cho biết: "Với nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trang trại chăn nuôi, tôi tích lũy được tiền tiết kiệm để chăm lo cho các con ăn học nên người. Giúp các con có nghề nghiệp và cuộc sống trưởng thành từ môi trường nông thôn. Vợ chồng tôi đã xây nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi gia đình đầy đủ. Cả nhà luôn sống hòa thuận, các con ngoan, noi gương bố mẹ chăm chỉ lao động, xây dựng được cơ ngơi riêng cho bản thân".
Hàng năm, gia đình chị được khu dân cư bình xét là gia đình văn hóa, chi hội phụ nữ thôn bình xét đạt "gia đình 5 không 3 sạch, gia đình 5 có 3 sạch". Mặc dù, công việc gia đình luôn bận rộn, song chị vẫn tích cực có mặt trong các buổi sinh hoạt chi Hội phụ nữ thôn, tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Đặc biệt, trong cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Gia đình 5 có, 3 sạch", chị luôn thực hiện tốt các tiêu chí "sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ". Hướng dẫn các thành viên trong gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại gia đình một cách nghiêm túc.
Với người dân địa phương, hình ảnh chị Chanh còn rất thân quen khi đi tuyên truyền cho phụ nữ, bà con lối xóm hưởng ửng các mô hình "Biến rác thải thành tiền", mô hình "Đường hoa phụ nữ", " Công trình chăm sóc cây xanh"… do Hội LHPN xã Lô Giang và chi Hội phát động, góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp của quê hương mình.
Nguồn tin: PhụnữViệtNam