Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 3/10/2024 của Tỉnh ủy Thái Bình về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Công văn số 4710/BCĐ-CQTT ngày 04/10/2024 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh; Công văn 721-CV/BDVTU ngày 07/10/2024 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 9/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đề nghị Hội LHPN 8 huyện, thành phố, các đơn vị thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tuyên truyền Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 03/10/2024 của Tỉnh ủy Thái Bình về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành đoàn thể địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm của tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh bằng nhiều hình thức phù hợp với hội viên, phụ nữ, trong đó tập trung các nội dung:
+ Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhằm tạo động lực lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện; thu hút nguồn lực đầu tư, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; góp phần xây dựng diện mạo mới cho cảnh quan môi trường, đô thị, nếp sống văn minh trên địa bàn tỉnh và quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Thái Bình tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
+ Phát triển du lịch phải dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có; bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch cộng đồng, trải nghiệm sản xuất và sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, làng nghề truyền thống... tạo thành điểm nhấn trong chuỗi liên kết trong bản đồ du lịch của khu vực.
+ Phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên; chủ động, linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của thiên tai; tạo nét cạnh tranh khác biệt với các địa phương khác.
+ Phát triển du lịch của tỉnh phải bảo đảm vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính cụ thể và gắn với phát triển các ngành kinh tế khác, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch và các nghị quyết, quyết định, quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt, ban hành.
+ Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có sự đồng thuận, chung tay, góp sức tham gia của toàn xã hội với quyết tâm cao, tích cực, kiên trì, quyết liệt; có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý hiệu quả của chính quyền; huy động nguồn lực và phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó sự tham gia tích cực, sáng tạo của người dân trong các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, vừa tăng thu nhập, làm giàu về kinh tế, vừa góp phần làm giàu về văn hóa cho mỗi vùng đất, địa phương.
- Tiếp tục chủ động, tích cực hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh. Đồng thời phối hợp tổ chức du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện, triển lãm (du lịch MICE) tại thành phố và các điểm du lịch trong Khu kinh tế Thái Bình; du lịch cộng đồng, trải nghiệm, làng nghề (nghề Muối ở Thụy Hải, nghề dệt đũi ở Nam Cao, chạm bạc Đồng Xâm, lăng vườn, cây cảnh Bách Thuận, Hồng Lý, nghề thêu ở Minh Lãng, sản phẩm ổi Bo ở Hoàng Diệu...), nghệ thuật truyền thống, trò chơi, diễn xướng dân gian tại các huyện, thành phố, trong đó tiếp tục thành lập mới và duy trì các câu lạc bộ Chèo nhằm phát huy giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống. Phát triển các mô hình biểu diễn Chèo, múa rối nước, múa Bát Dật, múa Giáo cờ giáo quạt, múa Ông Đùng Bà Đà, bơi chải... phục vụ khách du lịch.
2. Tuyên truyền Luật cảnh vệ
- Tích cực phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, triển khai các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn, trọng tâm là những quy định về đối tượng cảnh vệ; về chế độ, biện pháp cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ…. góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và Nhân dân để đảm bảo việc triển khai thi hành Luật được hiệu quả, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền bằng đa dạng hóa các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ; đồng thời tận dụng tính lan tỏa của các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook,… và các trang thông tin điện tử của các cấp hội nhằm đảm bảo việc tuyên truyền toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nội dung chính của Luật.
3. Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tài liệu “Cẩm nang dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến” (có file gửi kèm theo) đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân thông qua các kênh thông tin, kênh tuyên truyền, mạng xã hội như: Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, hội nhóm Facebook, zalo... Qua đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ được cung cấp kiến thức để nhận biết và hiểu rõ thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chủ động phòng ngừa, nâng cao cảnh giác, ý thức tự bảo vệ khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng.
- Các cấp Hội tích cực lồng ghép, hướng dẫn các nội dung về dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng vào các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt câu lạc bộ, lớp tập huấn, truyền thông để hội viên, phụ nữ và Nhân dân (đặc biệt những đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo) tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng và kịp thời tố giác đến cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn tội phạm.
- Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân hưởng ứng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng các hình thức như: tuyên truyền trực quan bằng các hình thức phù hợp (treo băng rôn, khẩu hiệu; in tờ rơi tuyên truyền ở cơ quan, đơn vị); duy trì có hiệu quả các mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc và chủ động biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình trong thực hiện mô hình.
Thực hiện tốt vai trò giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện thực thi pháp luật và phối hợp đề xuất, kiến nghị chế tài xử lý, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại địa bàn khu dân cư. Vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân tố giác, đấu tranh, lên án đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phối hợp tổ chức hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tại các địa bàn trọng điểm ở khu dân cư.
Nguồn tin: