Thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU ngày 04/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 297-KH/TU); Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Bình xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 37-CT/TW) cụ thể như sau:
- Quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Hội LHPN các cấp và của cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hoá thực hiện chỉ thị số 37-CT/TW của địa phương; tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", nhiệm vụ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội.
- Công tác phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, thường xuyên, lâu dài phải được tuyên truyền, thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực, phù hợp.
- Lồng ghép, phối hợp kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của lực lượng lao động nông thôn và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Phối hợp tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 37-CT/TW gắn với tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phản ánh kết quả, những mô hình, cách làm hiệu quả của lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề. Làm cho các cấp Hội, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ, các doanh nghiệp nữ, nữ chủ doanh nghiệp … nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí, đời sống của người dân nông thôn và mục tiêu xây dựng, phát triển của tỉnh; thấy rõ thời cơ và thách thức trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và sự phát triển trình độ sản xuất, cơ giới hóa, tự động hóa ngày càng mạnh mẽ ở khu vực nông thôn, nhất là trong bối cảnh tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.
- Tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW góp phần phấn đấu đạt mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là:
+ Tổ chức đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 50% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%- 40%). Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 60%.
+ Phấn đấu ít nhất 75% người dân nông thôn Thái Bình trong độ tuổi lao động được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kỹ năng mới, đáp ứng được những thay đổi về nội dung và phương pháp lao động, sản xuất của nghề.
+ 100% các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đào tạo nghề, bố trí việc làm hoặc bao tiêu sản phẩm cho người học nghề sau đào tạo.
2. Nâng cao trách nhiệm của các cấp Hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Phối hợp với các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng số và đổi mới sáng tạo; coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở khu vực nông thôn.
- Phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn nghề; kết nối giữa Hội và doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở có chức năng dịch vụ việc làm; tham gia các hội chợ việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động.
- Các cấp Hội tăng cường khảo sát, phối hợp với các doanh nghiệp để dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ ngay tại địa phương; duy trì và phát huy nghề truyền thống; du nhập thêm nghề mới để tạo việc làm cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Đồng thời, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ theo nhu cầu của thị trường lao động. Phối hợp triển khai các chương trình, đề án đào tạo, đào tạo lại phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân do biến đổi khí hậu phù hợp với tiến trình cơ giới hóa, tự động hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
- Chú trọng phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm phát huy thế mạnh và hướng tới sản xuất lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thích ứng với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; tăng cường thực hành, phát huy năng lực, tính chủ động, tích cực của người học nghề, giúp người lao động nông thôn có kiến thức, kỹ năng và từng bước tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
- Ưu tiên phối hợp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, lao động nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân có đất thu hồi cho các dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp và đô thị, dịch vụ, phụ nữ cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động v.v…
- Các cấp Hội tuyên truyền, vận động gia đình hội viên, phụ nữ định hướng nghề nghiệp cho con, em tham gia học nghề phù hợp.
- Giám sát, phối hợp giám sát việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU ngày 04/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình tới Hội LHPN 8 huyện, thành phố.
2. Phân công Ban Gia đình, Xã hội- Kinh tế tham mưu, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU. Phối hợp với Ban Tuyên giáo - Tổ chức - Chính sách luật pháp và Văn phòng Hội LHPN tỉnh tham mưu, chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU đạt kết quả.
3. Hội LHPN các huyện, thành phố căn cứ vào kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh và tình hình thực tế của địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU tới Hội LHPN các xã, phường, thị trấn.
Định kỳ 6 tháng, 01 năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TUvề Hội LHPN tỉnh.