Thực hiện Kế hoạch số 402/KH-ĐCT, ngày 01/12/2023 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam về triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thái Bình xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nâng cao ý thức trách nhiệm, sự chủ động của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tìm hiểu, học tập pháp luật nói chung; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan nói riêng; phát huy ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện của tổ chức Hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cấp Hội LHPN; đặc biệt chú trọng tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị của Hội, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương theo định hướng lấy người hội viên làm trung tâm và hướng về cơ sở; tích cực phối hợp, lồng ghép chặt chẽ, tiết kiệm nguồn lực, tránh chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện tại các cấp Hội.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bằng các hình thức sáng tạo, phù hợp, thiết thực
- Hội LHPN các cấp tích cực tổ chức và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân về nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ phụ nữ; trên trang Website, Fanpage và các kênh truyền thông khác của Hội.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào những điểm mới của Luật, chi tiết Điều 52 về Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Điều 53 về Trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam; Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Bộ tài liệu mẫu hướng dẫn thông tin, tuyên truyền, giáo dục; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì biên soạn.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tính tương tác trong tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân. Tích cực tổ chức, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền sáng tạo, thiết thực, phù hợp thực tiễn địa phương (đăng tải tin bài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Hội; các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội thi; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến; truyền thông; tọa đàm; hội thảo; tập huấn; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Hội chi, tổ, nhóm, câu lạc bộ, mô hình…) về phòng, chống bạo lực gia đình, tập trung cao điểm vào tháng Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6 hàng năm), Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới (từ 15/11-15/12 hàng năm); Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11). Khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên, phụ nữ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đăng tải tin, bài tuyên truyền về kết quả triển khai, tổ chức thực hiện Luật của các cấp Hội trên trang thông tin điện tử của các cấp Hội (website), fanpage, nhóm zalo và các kênh đăng tải thông tin phù hợp khác.
2. Giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
- Chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch để tổ chức giám sát, phản biện xã hội và tham gia giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình. Kịp thời tổng hợp, kiến nghị, đề xuất đến Hội cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương giải pháp để phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
- Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em; hướng dẫn phụ nữ lên tiếng trước bạo lực gia đình; tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; phối hợp với các cơ quan chức năng, Hội LHPN địa phương để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, giám sát quá trình giải quyết vụ việc.
3. Xây dựng, củng cố mô hình phòng, chống bạo lực gia đình
- Tích cực phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, củng cố các Địa chỉ tin cậy, các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; chú trọng phát huy vai trò của nam giới tham gia các câu lạc bộ/tổ/nhóm/ hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp xây dựng thí điểm các hoạt động/mô hình tư vấn cho người bị bạo lực gia đình và người gây bạo lực gia đình để rút kinh nghiệm nhân rộng.
- Chủ động phối hợp với MTTQ, các sở, ban, ngành liên quan củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các nữ hòa giải viên; chủ động phát hiện, phối hợp giải quyết tốt các mâu thuẫn gia đình, dòng họ; tư vấn, tham gia hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở; tổ chức thực hiện, kết nối, giới thiệu dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
- Thường xuyên rà soát, phát hiện để đề xuất với cấp có thẩm quyền động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể điển hình trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Tổ chức hoạt động hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người bị bạo lực gia đình
- Kịp thời tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình xẩy ra trên địa bàn;
- Tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể; tạo điều kiện giúp phụ nữ bị bạo lực gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh, tham gia hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; tham gia các mô hình sinh kế phù hợp; kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối phù hợp nhu cầu của thị trường.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội LHPN 8 huyện, thành phố căn cứ kế hoạch của Hội LHPN tỉnh và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, các Đề án về xây dựng gia đình, tháng Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình...
2. Tổ chức, phối hợp tổ chức tuyên truyền, quán triệt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, hội viên, phụ nữ bằng hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích hội viên, phụ nữ, Nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền tại 100% cơ sở Hội trong toàn tỉnh; hoàn thành trong tháng 6 năm 2024. Hằng năm, tổ chức tuyên truyền thường xuyên nhắc lại trong các kỳ sinh hoạt Hội, tập trung cao điểm trong dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới, Ngày Pháp luật Việt Nam.
3. Thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, khó khăn của hội viên, phụ nữ tại cơ sở, nhất là các đơn, thư đề nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến bạo lực gia đình; kịp thời phản ánh với Hội cấp trên, cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng có biện pháp phối hợp giải quyết. Đồng thời, triển khai các mô hình hỗ trợ, tư vấn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ bị bạo lực gia đình.
4. Thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời về Hội cấp trê các vụ việc xâm hại phụ nữ trẻ em nói chung, các vụ bạo lực gia đình nói riêng theo quy định.
Nội dung báo cáo gồm: Nguồn nhận thông tin (ai, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cung cấp), thông tin cơ bản của nạn nhân bị bạo lực/xâm hại (tên, tuổi, địa chỉ, liên hệ); nội dung vụ việc; tình trạng hiện tại của nạn nhân; những hành động hỗ trợ, can thiệp đã được thực hiện trước, trong và sau khi Hội LHPN các cấp nhận được thông tin…
Nguồn tin: