Thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 23/11/2017 của UBND tỉnh Thái Bình về việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025” trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Kế hoạch số 153/KH-BTV ngày 19/4/2018 của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024 cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao nhận thức cho phụ nữ và cộng đồng về phong trào phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh, thành lập cơ sở sản xuất, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; đồng thời khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo mạnh dạn tham gia khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình và địa phương.
- Vận động, khuyến khích, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm, chọn lọc các ý tưởng, đề án của chị em phụ nữ khởi nghiệp để hỗ trợ thành lập mới, phát triển duy trì hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý.
- Phát huy nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ trong kinh doanh, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
- Các cấp Hội làm tốt vai trò kết nối mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ có ý tưởng, đề án, dự án mong muốn khởi nghiệp; tổ chức kết nối giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của phụ nữ đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội và tham gia vào tổ chức Hội.
- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.
2. Yêu cầu
- Bám sát mục tiêu, hoạt động, giải pháp của Đề án và nguồn lực của từng cấp Hội để xây dựng hoạt động cụ thể và triển khai có hiệu quả.
- Tăng cường công tác phối kết hợp nhằm phát huy thế mạnh của các cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án; chủ động huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án.
II. MỤC TIÊU
- 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
- 50% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
- Duy trì hoạt động có hiệu quả của 13 hợp tác xã (HTX) và 59 tổ hợp tác (THT) đã thành lập.
- Hỗ trợ thành lập 01 HTX và 08 THT.
- Mỗi Hội LHPN huyện, thành phố tổ chức các hoạt động nâng cao năng cao năng lực cho ít nhất 30 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ kinh doanh
- Phối hợp, hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, giới thiệu đào tạo nghề cho 1.200 lao động nữ.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Đối tượng thực hiện
Là phụ nữ, trong đó quan tâm hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng, nhu cầu khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ liên kết nghề sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ; phụ nữ khuyết tật; phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn; phụ nữ thuộc địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
2. Phạm vi thực hiện
- Đề án tập trung vào các vấn đề:
+ Tuyên truyền, giáo dục phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế.
+ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp.
+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
- Phạm vi địa bàn: Đề án được triển khai ở 8/8 huyện, thành phố và 260/260 xã, phường, thị trấn.
IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế
- Tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế...cho cán bộ, hội viên, phụ nữ dưới nhiều hình thức như các lớp chuyên đề; sinh hoạt hội viên; sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ; Tuyên truyền trên trang Website của Hội LHPN tỉnh, huyện, thành phố; Xây dựng tờ rơi, tờ gấp; đưa vào bản tin sinh hoạt hội viên của Hội LHPN tỉnh...
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Thái Bình; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các huyện, thành phố; trang thông tin điện tử (Website), trang Fanage của Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành phố; Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn...
- Phát hiện, xây dựng các điển hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng.
2. Hỗ trợ phụ nữ đổi mới, sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp
2.1. Hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo
a) Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ hưởng ứng Cuộc thi và Ngày phụ nữ khởi nghiệp
- Tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên, phụ nữ về Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
- Tổ chức trưng bày gian hàng sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp của phụ nữ nhân Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
- Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân phụ nữ có ý tưởng/công trình nghiên cứu có ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới, ứng phó với biến đổi khí hậu (sản xuất/kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường…đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng).
b) Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi
- Duy trì hoạt động của nhóm "Phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp" tại tỉnh;
- Nắm bắt, phát hiện và lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ thực hiện và nhân rộng;
- Tập huấn, đào tạo nghề, tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, về kinh tế tập thể, nâng cao năng lực cho phụ nữ kinh doanh và khởi nghiệp;
- Phối hợp với Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Công ty TNHH Unilever Việt Nam triển khai chương trình tập huấn “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” cho hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
- Phối hợp với Công ty TNHH Nestle Việt Nam triển khai mô hình “Nấu nên cơ nghiệp”
- Giới thiệu, tư vấn, kết nối cho phụ nữ có đề án, ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh do Trung ương Hội, các ngành chức năng, các doanh nghiệp, địa phương tổ chức.
c) Hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo
- Tuyên truyền các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ sản phẩm. Giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình… Kết nối với các ngành chức năng để tư vấn pháp lý.
- Phát hiện, giới thiệu các nữ doanh nghiệp có đủ điều kiện để được hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
d) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng
Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ mới thành lập, HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, HTX, THT do Hội LHPN các cấp hỗ trợ thành lập có nhu cầu vay vốn tiếp cận với các ngân hàng và tổ chức tín dụng vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
2.2. Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập
- Tập huấn nâng cao kiến thức cho nữ chủ các cơ sở kinh doanh về khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp; tiếp cận vốn tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa…
- Tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập tiếp cận nguồn lực như: Vốn, pháp lý, khoa học công nghệ…
- Phối hợp với Hội Doanh nhân nữ tỉnh và Câu lạc bộ nữ chủ doanh nghiệp của 8 huyện, thành phố hỗ trợ, giúp đỡ các nữ chủ doanh nghiệp mới thành lập.
- Kết nối các doanh nghiệp nữ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các hình thức tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng.
2.3. Hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại
a) Hỗ trợ phát triển HTX, THT do phụ nữ hỗ trợ thành lập
- Tiếp tục hỗ trợ 13 HTX và 59 THT được thành lập từ năm 2017 đến nay duy trì, hoạt động hiệu quả.
- Tư vấn, hỗ trợ các HTX, THT tiếp cận nguồn lực như vốn, pháp lý, khoa học công nghệ...
- Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho Ban quản lý HTX, THT.
- Tư vấn, giới thiệu cho HTX, THT tiếp cận với các tổ chức hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công nghệ...
b) Tăng cường hoạt động phối hợp với Hội Doanh nhân nữ tỉnh và câu lạc bộ nữ chủ doanh nghiệp 8 huyện, thành phố để đẩy mạnh kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới và xúc tiến thương mại
- Phối hợp với các doanh nghiệp dạy nghề cho hội viên phụ nữ; nâng cao tay nghề và dạy nghề mới cho các thành viên các hợp tác xã.
- Phối hợp với doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
2.4. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp
- Hội LHPN tỉnh lồng ghép với các hoạt động tập huấn nghiệp vụ công tác Hội để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp chịu trách nhiệm đầu mối phụ trách các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành, kết nối các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
- Hội LHPN 8 huyện, thành phố tổ chức tập huấn các nội dung của Đề án cho Ủy viên ban chấp hành Hội LHPN cơ sở.
- Hội LHPN các xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp tới hội viên, phụ nữ.
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh
- Hội LHPN các cấp giám sát việc thực hiện các chính sách, luật pháp về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh phù hợp và khả thi.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Các cấp Hôi phụ nữ chủ động tham mưu HĐND, UBND cùng cấp cấp kinh phí thực hiện Đề án. Đồng thời chủ động lồng ghép việc thực hiện Đề án với các chương trình, Đề án khác và các nguồn tài chính hợp pháp khác (nếu có).
2. Khuyến khích các cấp Hội huy động các nguồn lực từ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp tham gia thực hiện Đề án.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp tỉnh
- Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" năm 2024 và triển khai tới Hội LHPN 8 huyện, thành phố.
- Hướng dẫn Hội LHPN các cấp hỗ trợ phụ nữ xây dựng các đề án/ý tưởng khởi nghiệp tham gia các Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
- Tổ chức ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2024.
- Huy động các nguồn lực, phát huy nội lực tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện Đề án.
- Lồng ghép việc triển khai các hoạt động thực hiện Đề án với các hoạt động, chương trình, đề án và nhiệm vụ công tác Hội.
- Phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án.
- Xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua về kết quả tham mưu, triển khai thực hiện Đề án.
2. Cấp huyện, thành phố
- Căn cứ vào Kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương, Hội LHPN các huyện, thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" năm 2024 triển khai tới Hội LHPN các xã, phường, thị trấn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các xã, phường, thị trấn hỗ trợ phụ nữ có đề án/ý tưởng khởi nghiệp để lựa chọn tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Phấn đấu mỗi Hội LHPN huyện, thành phố có ít nhất 03 đề án/ý tưởng đạt chất lượng gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 cấp Trung ương, trong đó có ít nhất 01 đề án/ý tưởng vào vòng chung kết cấp vùng khu vực Miền Bắc.
- Tổ chức tập huấn các nội dung của Đề án cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.
- Phối hợp với các phòng, ban, các đoàn thể chủ động triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án.
- Tiếp tục hỗ trợ các HTX, THT do Hội Phụ nữ hỗ trợ thành lập từ năm 2017 đến nay duy trì, hoạt động hiệu quả.
- Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ nữ chủ doanh nghiệp của huyện, thành phố để tăng cường kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới và xúc tiến thương mại.
- Lồng ghép việc triển khai Đề án với các chương trình, đề án và nhiệm vụ công tác Hội.
- Chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở tổ chức thực hiện Đề án; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án ở cơ sở; lồng ghép với tổng kết công tác Hội để đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
- Xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua về kết quả tham mưu, triển khai thực hiện Đề án.
- Định kỳ 6 tháng, 01 năm tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện đề án về Thường trực Hội LHPN tỉnh qua Ban Gia đình, Xã hội- Kinh tế theo quy định để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban Điều hành Đề án Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Nguồn tin: