Thực hiện Kế hoạch số 26/KH-BCĐ ngày 01/3/2024 của Ban chỉ đạo 138 tỉnh Thái Bình về Triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2024; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thái Bình xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, CHỈ TIÊU THỰC HIỆN
1. Mục đích, yêu cầu
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Công an và của tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân về phòng, chống các loại tội phạm; phòng, chống các tệ nạn xã hội để từ đó chủ động tham gia các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh góp phần cùng ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
- Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, vận động phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc lồng ghép trong sinh hoạt chi, tổ, CLB phụ nữ… góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân (nhất là nhóm có nguy cơ cao) trong phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, can thiệp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đối với xã hội.
- Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; tiếp tục lồng gắn thực hiện đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm với phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “Gia đình5 có, 3 sạch” và các chương trình, đề án, cuộc vận động do Hội LHPN các cấp phát động góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
2. Chỉ tiêu
- 100% cơ sở Hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của địa phương về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho 90% trở lên hội viên, phụ nữ; tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao (mãn hạn tù, bản thân hoặc có người thân nghiện ma túy và các chất kích thích khác…).
- 100% Hội LHPN cơ sở duy trì hiệu quả các mô hình/câu lạc bộ phòng chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; trong năm biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới/cách làm hoặc cá nhân tiêu biểu.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các cơ quan chức năng để tuyên tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân về:
- Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm, trọng tâm là Luật phòng chống ma túy; Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; Quyết định số 1246/QĐ-TTg, ngày 14/8/2020 của Thủ tướng về việc phê duyệt “Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”; Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 và các dự án, kế hoạch chuyên đề về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm...
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cảnh báo trực diện về hậu quả, tác hại, cách thức nhận biết các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, nhận diện người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy...; phương thức, thủ đoạn tội phạm ma túy; kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng.
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhằm xây dựng ý thức đúng về nguy cơ lây truyền HIV và viêm gan B, C, qua đó có ý thức tự giác phòng ngừa HIV/AIDS. Nâng cao hiệu quả công tác dự phòng cho cộng đồng và dựa vào cộng đồng. Gắn kết hiệu quả công tác phòng, chống ma túy với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và các phong trào thi đua ở cơ sở.
- Tích cực tuyên truyền, lên án mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang Fanpage, Website của Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố, trên hệ thống thông tin cơ sở, các mạng xã hội về các hành vi mua bán, tàng trữ ma túy và mua bán dâm…
2. Tích cực phối hợp với ngành Tư pháp, Công an tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn trực tiếp cho phụ nữ và người dân về luật pháp, chính sách phòng, chống tội phạm và các vấn đề có liên quan như: di cư lao động, hôn nhân có yếu tố nước ngoài (kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi…), hộ tịch; các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của tội phạm thông qua mạng xã hội lợi dụng kết bạn, đi du lịch, chữa bệnh để lừa bán ép hoạt động mại dâm, làm vợ, đẻ thuê…. Tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức và kỹ năng an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh hoạt động phát hiện tố giác tội phạm trong các cấp Hội; thường xuyên nắm bắt, phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em; kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Chú trọng can thiệp sớm ở cơ sở ngay khi phát hiện vụ việc.
3. Tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS; duy trì hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho 100% phụ nữ mang thai, can thiệp dự phòng cho thai nhi và điều trị kịp thời trong các trường hợp mẹ nhiễm HIV đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương.
4. Tiếp tục phối hợp củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với các phong trào, cuộc vận động khác như: phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở cơ sở đang phát huy tác dụng như: “Chi hội an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”, “Câu lạc bộ phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em”… và các tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự; triển khai các quy định, hướng dẫn pháp luật về việc xây dựng mô hình phụ nữ tham gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực.
- Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tội phạm.
5. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội của các cấp Hội trong công tác phòng chống tội phạm. Chủ động phối hợp với MTTQ, các sở, ban, ngành liên quan trong công tác quản lý người nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương; tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM…góp phần từng bước hạn chế, đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong cộng đồng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào kế hoạch của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, Hội LHPN 8 huyện, thành phố xây dựng và triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch về công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2024 triển khai đến Hội LHPN các xã, phường, thị trấn để thực hiện.
2. Các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với ngành Công an, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm một cách hiệu quả, thiết thực, chú trọng lồng gắn với các hoạt động trong Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024...
3. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức thực hiện công tác phòng, chống phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm gửi đến Ban Tuyên giáo - Tổ chức - Chính sách, Luật pháp Hội LHPN tỉnh để tổng hợp báo cáo TW Hội LHPN Việt Nam và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh theo quy định.
Nguồn tin: