Thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 09/4/2024 của UBND tỉnh Thái Bình về Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thái Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Thái Bình năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Tăng cường phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tích cực tham mưu, triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, giải pháp về bình đẳng giới; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi nhằm thực hiện bình đẳng giới, giảm khoảng cách giới, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
- Các hoạt động triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả, bám sát theo hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam; chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị và đặc thù của từng nhóm đối tượng.
II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
1.1. Nội dung tuyên truyền, giáo dục
- Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu về bình đẳng giới, trong đó tập trung nội dung:
+ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó đặc biệt tập trung vào những điểm mới của Luật, chi tiết Điều 52 liên quan đến Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Điều 53 liên quan đến Trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2023 Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
+ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Điều 26); Luật Bình đẳng giới, các quy định về bình đẳng giới trong bộ Luật Lao động, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.
+ Chính sách cho lao động nữ, các chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái.
+ Các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về bình đẳng giới: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Thông tri số 12-TT/TU ngày 05/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư;
+ Các chương trình, mục tiêu về bình đẳng giới đến năm 2030: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến năm 2030; Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030.
+ Các văn bản mới ban hành về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em.
- Tuyên truyền các mô hình Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh và các mô hình liên quan khác đang triển khai bởi các cơ quan, đoàn thể tại địa phương để người dân biết, tham gia và sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
- Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về giới; về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình, xã hội; về thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực (gồm: chính trị; kinh tế - lao động - việc làm; giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe; gia đình; chuyển đổi số...).
- Tuyên truyền về kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực ở Việt Nam và ở tỉnh Thái Bình; những mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện bình đẳng giới ở các lĩnh vực; kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027.
1.2. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục
- Tăng cường tuyên truyền trong các chuyên trang, chuyên mục trên Website, Fanpage của các cấp Hội; trang Zalo OA Thông tin phụ nữ Thái Bình; Bản tin sinh hoạt hội viên của Hội LHPN tỉnh; trên Facebook và các nhóm zalo của cán bộ, hội viên phụ nữ; tuyên truyền trực quan, cổ động...
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội thi, cuộc thi tìm hiểu kiến thức liên quan đến bình đẳng giới...
- Phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp trong công tác tham mưu thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, lồng ghép giới trong phát triển kinh tế, xã hội.
2. Tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ
- Hội LHPN các cấp căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị triển khai chủ trì giám sát về thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và quyền, trách nhiệm của tổ chức Hội như: Các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình; các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách thai sản đối với nữ công nhân lao động, chính sách an sinh xã hội... Ngoài ra, cần phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách ở địa phương.
- Hội LHPN các cấp chủ động phản biện, góp ý kiến vào các dự thảo luật (sửa đổi) có liên quan nhiều đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc Hội, yêu cầu của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các ngành chức năng như: Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi)... Tích cực tham gia góp ý và phản biện vào các dự thảo chính sách an sinh xã hội, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó tập trung các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trẻ em.
- Các cấp Hội chủ động nghiên cứu, dự báo các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để kịp thời đề xuất, góp ý trong quá trình xây dựng chính sách đảm bảo lồng ghép giới trong xây dựng văn bản pháp luật. Phát huy vai trò của cán bộ Hội là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong tham gia đề xuất, phản biện các chính sách liên quan đến bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và tổ chức Hội.
- Các cấp Hội phối hợp với ngành Tư pháp củng cố và phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; giải quyết đơn thư, tiếp công dân, tham gia hòa giải tại cơ sở, duy trì có hiệu quả địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
- Đối với các vụ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái: Các cấp Hội kịp thời nắm bắt, phát hiện các hành vi ngược đãi, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ và trẻ em để phản ánh với cơ quan chức năng; đồng thời có ý kiến lên tiếng kiến nghị, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em theo tinh thần Quyết định 2605/QĐ-ĐCT ngày 31/8/2023 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về việc ban hành Quy định Hội LHPN Việt Nam các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Chủ động tổng hợp, báo cáo nhanh nội dung vụ việc về Hội LHPN cấp trên; có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân phù hợp theo chức năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế của Hội.
3. Vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện bình đẳng giới
- Tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10...
- Tích cực tham gia hưởng ứng: Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình (từ ngày 01- 30/6); Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (ngày 25/11); Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11/2024- 15/12/2024)...
- Hội LHPN các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017-2027; Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025; Đề án “Tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình 5 có 3 sạch góp phần tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2030”, Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.
- Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, mô hình thúc đẩy bình đẳng giới như: Câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Chi hội phụ nữ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình”, “Phòng chống xâm hại trẻ em thúc đẩy sự tham gia của nam giới”, “Cha mẹ trong chăm sóc, phát triển trẻ em”, “Chi hội không có người sinh con thứ 3 trở lên”…
- Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động uỷ thác cho hội viên vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất kinh doanh, mô hình hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
- Phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác tuyên truyền, vận động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe phụ nữ: tổ chức các đợt hoạt động mạnh về thực hiện Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, không phân biệt giới tính khi sinh, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…
- Thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện góp phần đảm bảo an sinh xã hội như: xây dựng mái ấm tình thương, trao sinh kế, tặng quà phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vận động hội viên tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể.
4. Tham mưu thực hiện công tác cán bộ nữ
- Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cùng cấp đẩy mạnh việc thực hiện: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Thông tri số 12-TT/TU ngày 05/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư; Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030...
- Chủ động, tích cực tham mưu với cấp uỷ Đảng cùng cấp về: công tác quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ Hội; cử cán bộ Hội, cán bộ nữ đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác để chuẩn hoá cán bộ theo quy định; giới thiệu nguồn nhân sự nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030...
- Các cấp Hội tích cực phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu với Đảng những phụ nữ ưu tú để Đảng bồi dưỡng kết nạp, quan tâm giới thiệu cán bộ Hội, hội viên nòng cốt, cán bộ nữ trẻ có trình độ, năng lực nổi trội.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025 (Đề án 1893).
- Tổ chức tốt các hoạt động nhằm chăm lo đến đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ Hội LHPN cơ sở. Tích cực tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền tạo điều kiện cho cán bộ Hội cơ sở được kiêm nhiệm các chức danh có phụ cấp và tham gia các hoạt động dịch vụ để có kinh phí bồi dưỡng giúp chị em yên tâm, phấn khởi công tác.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội LHPN tỉnh
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thái Bình năm 2024 tới Hội LHPN huyện, thành phố và các đơn vị.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cấp Hội phụ nữ thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
2. Hội LHPN huyện, thành phố, các đơn vị
- Căn cứ vào Kế hoạch của Hội LHPN tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch năm 2024 cho phù hợp và triển khai, chỉ đạo Hội LHPN cơ sở thực hiện.
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để tổ chức thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ Hội LHPN cơ sở thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
- Báo cáo kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ vào báo cáo chung hằng tháng gửi Văn phòng Hội LHPN tỉnh và báo cáo chuyên đề năm gửi Ban Tuyên giáo -Tổ chức - Chính sách, Luật pháp Hội LHPN tỉnh trước ngày 01/12/2024 để tổng hợp báo cáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thái Bình năm 2024, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đề nghị các cấp Hội tổ chức thực hiện đạt kết quả./.
Nguồn tin: