Hội thảo khoa học quốc gia về “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới – thực trạng và giải pháp” do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và 131 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc diễn ra vào chiều 28/11 nhằm cung cấp căn cứ khoa học để xác định giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới gắn với triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan, các viện nghiên cứu, chuyên gia về giới, phụ nữ và gia đình. Ban Tổ chức đã nhận được 26 bài viết của gần 40 tác giả, trong đó có 8 bài được lựa chọn để tham luận trực tiếp tại Hội thảo.
Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo Nghị quyết của Đảng
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ThS Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam khẳng định, xây dựng người phụ nữ Việt Nam không nằm ngoài định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện của Đảng: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”; “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định quan điểm: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...”.
Nội dung “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế” đã được xác định trong chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Bước sang nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” với các tiêu chí có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam.
Nhiều vấn đề, yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới trong quá trình xây dựng và phát triển con người nói chung, phụ nữ nói riêng. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và công nghệ số tiến triển mạnh mẽ đang tác động đến đời sống của phụ nữ. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn cho lao động, trong đó có lao động nữ. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ nâng cao trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân. Các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đã tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.
Cùng với đó, còn nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ cần tiếp tục quan tâm: Đói nghèo, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực trên cơ sở giới, ma túy, mại dâm, các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em; sự gia tăng các loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao, tốc độ tăng mạnh của công nghiệp hóa, đô thị hóa, bất bình đẳng giới… Bối cảnh đó sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống, sự phát triển của phụ nữ.
Một vài con số từ các nghiên cứu gần đây đã cho thấy nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra liên quan đến xây dựng và phát triển người phụ nữ hiện nay như: Tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, trong đó phần lớn là lao động nữ diễn ra ở nhiều nơi. Kết quả khảo sát ở một số khu công nghiệp cho thấy có tới hơn 80% phụ nữ trên độ tuổi 35 làm việc trong các khu công nghiệp phải buộc nghỉ việc hoặc bỏ việc với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Chất lượng lao động nữ còn chưa ổn định, thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững không cao. Số lượng lao động nữ di cư ngày càng tăng dẫn tới những tác động tiêu cực như thiếu vắng sự chăm sóc người cao tuổi và con cái, nguy cơ đổ vỡ các quan hệ gia đình. Bạo lực gia đình đang có diễn biến phức tạp và phản ánh vấn đề bất thường của xã hội cũng như xu hướng bạo lực trong cách hành xử ở cộng đồng đang gia tăng. Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021, 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Hiện tượng nữ sinh đánh nhau, tung clip sex, ảnh nóng trở nên phổ biến đến mức nhiều em cho rằng đó chính là thước đo chứng minh sự nổi tiếng và giá trị của mình. Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 cho thấy trong 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ở tổng số phụ nữ vẫn ở mức cao, trên 60%, chủ yếu do phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong thực hiện tránh thai. Bên cạnh đó, tại Việt Nam vẫn còn quan niệm thiên chức của người phụ nữ nằm ở nhiệm vụ sinh con và chăm sóc con cái. Việc mang thai trước hôn nhân và phá thai càng cản trở phụ nữ tiếp cận thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục…
Những chiều cạnh quan trọng, cốt lõi trong xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Tại Chương trình hội thảo, các tham luận đã tập trung vào ba nhóm nội dung chính gồm:
1. Những chiều cạnh quan trọng, cốt lõi phản ánh được đặc điểm người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Qua đó nhằm xác định những giá trị mới về chuẩn mực đạo đức trong xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Thực trạng và thách thức trong việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới từ bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội quốc tế và trong nước; Nhận diện các rào cản về thể chế, chính sách (giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, khoa học, công nghệ, chăm sóc sức khoẻ…) cũng như thiếu hụt về các dịch vụ xã hội hiện nay.
3. Đề xuất, gợi ý chính sách giải pháp, sáng kiến về xây dựng người Phụ nữ Việt Năm thời đại mới từ góc độ nguồn nhân lực nữ, từ thực tiễn phát huy vai trò trách nhiệm của phụ nữ, của cán bộ Hội phụ nữ.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ như: những tiêu chí là giá trị cốt lõi chung của con người Việt Năm thời đại mới đồng thời những tiêu chí nhận diện đặc điểm riêng có của phụ nữ Việt Năm thời đại mới; lồng ghép giá trị xây dựng người PNVN trong xây dựng hệ giá đình Việt Nam; giải pháp hoàn thiện chính sách gắn với các điều kiện thực thi chính sách trong thực tiễn; xây dựng nguồn phụ nữ tiền năng trở thành những nhân tố truyền cảm hứng…
Diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa (trước 1 ngày hội thảo quốc gia về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam do Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Hội đồng Lý luận TW tổ chức vào ngày mai, 29/11), Hội thảo này có ý nghĩa thiết thực nhằm cung cấp căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nguồn tin: