Tỉnh Thái Bình hiện có 287 cán bộ Hội chuyên trách các cấp và 1.797 chi hội trưởng phụ nữ. Thời gian qua, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ vào tham gia sinh hoạt.
Xác định “cán bộ nào, phong trào ấy”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ, giai đoạn 2019-2025” (Đề án 1893); trong đó, xác định rõ lộ trình, chỉ tiêu, số lượng cán bộ Hội các cấp được bồi dưỡng, đào tạo hằng năm và dự kiến nguồn kinh phí thực hiện; chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh rà soát, nắm bắt nhu cầu, nội dung cần tập huấn của cán bộ hội cơ sở, đội ngũ chi hội trưởng, chi hội phó; từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện và lựa chọn nội dung tập huấn, bồi dưỡng phù hợp.
Từ khi triển khai, thực hiện Đề án 1893 cho đến nay, công tác bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN các cấp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ Hội. Tính đến nay, Hội LHPN tỉnh được bố trí tổng số kinh phí trên 1 tỷ đồng từ Ngân sách nhà nước để tổ chức 50 lớp tập huấn cho 9.915 lượt cán bộ công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ phân bổ cho Hội LHPN tỉnh từ 40 đến 50 triệu đồng/năm để thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội cơ sở từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở
Khi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi trưởng phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chú trọng xây dựng hệ thống tài liệu, giáo trình, bài giảng phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, quan tâm đến nội dung về thực hiện Điều lệ Hội, nghiệp vụ công tác Hội; các kỹ năng cần thiết của người cán bộ Hội như phương pháp tiếp xúc làm việc, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền; quản lý, sử dụng tài chính của Hội; kỹ năng quản lý, tập hợp, thu hút hội viên, tổ chức sinh hoạt hội viên; kỹ năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh và giải quyết các vấn đề của hội viên, phụ nữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động Hội… Những nội dung mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp thường xuyên được lồng ghép, đưa vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng, giúp cho cán bộ Hội các cấp hiểu rõ hơn quan điểm, định hướng mà Đại hội Phụ nữ các cấp đã đề ra, từ đó tổ chức thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Hội LHPN Hưng Hà tổ chức chương trình tọa đàm và tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin cho Chủ tịch Hội LHPN cơ sở trên địa bàn huyện
Bên cạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thảo, cuộc thi, giao lưu các mô hình hoạt động Hội, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo cơ hội cho cán bộ Hội các cấp được rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng. Hội LHPN các cấp tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng cùng cấp cử 290 cán bộ Hội, cán bộ nữ đi học các lớp chuyên môn, lý luận chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội.
Cán bộ Hội các cấp đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động đăng ký, đề xuất nhu cầu được tập huấn, bồi dưỡng. Khi tham gia các lớp học, tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất giải pháp, cách làm thiết thực nhằm thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ trong tình hình mới. Đến nay, 100% cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện và 97,3% Chủ tịch Hội LHPN cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 1893, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh quyết tâm thực hiện các mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp tỉnh Thái Bình có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với công tác phụ nữ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở; có trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo quản lý, đảm bảo tiêu chuẩn vị trí việc làm, chức danh; đáp ứng yêu cầu đổi mới về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ các cấp trong tình hình mới. Hằng năm, 100% cán bộ Hội chuyên trách Hội LHPN cấp tỉnh, chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở được bồi dưỡng ít nhất 01 nội dung về nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội và bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chuyên đề; 100% Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở và Chi hội trưởng phụ nữ được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội theo chuyên đề... Phấn đấu đến năm 2030, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp; 50% Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội.
Đồng thời, tiếp tục đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực theo tiêu chuẩn chức danh, năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong thời kỳ mới.
Nguồn tin: Hội LHPN tỉnh Thái Bình