Chiều ngày 15/6/2022, với 424/437 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,14% tổng số đại biểu, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Luật mới được thông qua kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như phù hợp với thực tiễn hiện nay của đất nước. Đồng thời, đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sau đây là một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng 2022:
1. Bổ sung nguyên tắc khen thưởng
Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bổ sung các nguyên tắc khen thưởng trên cơ sở thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (điểm c khoản 2 Điều 5); Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (điểm d khoản 2 Điều 5); Đảm bảo bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng (khoản 3 Điều 5). Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23).
2. Thay đổi nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng
Về căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua: So với hiện hành, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7)
Về căn cứ xét khen thưởng: Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 kế thừa nguyên tắc “Tiêu chuẩn khen thưởng” (khoản 2 Điều 10) và thay đổi căn cứ “Phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích” sang “Thành tích đạt được” (khoản 1 Điều 10); thay đổi căn cứ “Trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” sang “Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” (khoản 3 Điều 10)
3. Bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”
Theo Điều 9, Các hình thức khen thưởng tại Luật Thi đua, khen thưởng 2022 bao gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.
Như vậy, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”.
4. Bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận
Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cụ thể:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 13)
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng (khoản 2 Điều 13)
Ngoài ra, Luật mới cũng đã bổ sung vai trò phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. vào chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận (điểm c khoản 3 Điều 13)
5. Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài
Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam: đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 35); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 36, 37 và Điều 38), Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44); quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 58).
6. Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
Theo đó, tại khoản 2, Điều 96, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như sau: Thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên; Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
7. Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”
Tại khoản 1, Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm:
- Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên;
- Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng trên do Chính phủ quy định.
Như vậy, so với hiện hành đã bổ sung đối tượng là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác do Chính phủ quy định.
Một số câu hỏi – đáp về Luật Thi đua Khen thưởng 2022:
Câu hỏi 1: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm như thế nào trong công tác thi đua, khen thưởng?
Trả lời:
Tại Điều 13, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng như sau:
1) Tuyên truyền, vận động, động viên các đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng;
2) Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các phong trào thi đua;
3) Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
4) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng.
5) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Câu hỏi 2: Căn cứ xét danh hiệu thi đua và khen thưởng được quy định như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 7, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua như sau:
1. Phong trào thi đua.
2. Thành tích thi đua.
3. Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.
Tại Điều 10, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định căn cứ xét khen thưởng như sau:
1. Thành tích đạt được.
2. Tiêu chuẩn khen thưởng.
3. Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích.
Câu hỏi 3: Quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bị hủy bỏ, hiện vật khen thưởng và tiền thưởng bị thu hồi trong các trường hợp nào?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 93 Luật Thi đua, khen thưởng quy định về việc quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bị hủy bỏ, hiện vật khen thưởng và tiền thưởng bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Có hành vi gian dối trong việc kê khai công trạng, thành tích để được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng;
b) Cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ để đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng;
c) Thẩm định, xét, duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trái quy định của pháp luật;
d) Có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc người đã được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có vi phạm, khuyết điểm dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong khoảng thời gian tính thành tích hoặc liên quan đến công trình, tác phẩm là cơ sở để tặng giải thưởng.
Nguồn tin: