Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (01/3/1923 - 01/3/2023)

Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH
HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN
Đồng chí
Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh
ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn),
tỉnh Quảng Bình.
Từ năm
1938 đến năm 1940, Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức hội
quần chúng cứu quốc ở trường học và ở xã; tháng 12/1939 được kết nạp vào Đảng
Cộng sản Đông Dương; Bí thư Chi bộ xã Quảng Trung năm 1940.
Năm 1941,
Đồng chí làm Phủ ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ năm
1942 đến tháng 2/1945, làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai
huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Cuối năm 1942 địch khủng bố, cơ sở bị vỡ, Đồng
chí sang Thái Lan và Lào tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở trong Việt kiều.
Tháng
3/1945, Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên về nước tham gia thành lập Ban cán sự tỉnh
Quảng Bình (sau là Tỉnh ủy lâm thời), lập chiến khu, chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng
8/1945, được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh
Quảng Bình.
Từ năm
1946 đến năm 1948, Đồng chí làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội,
Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, được cử đi học lớp Nguyễn
Ái Quốc khóa I (năm 1946); làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên, kiêm Tỉnh đội
trưởng tỉnh Quảng Bình (Tháng 5/1948).
Từ năm
1949 đến năm 1950, được cử đi học lớp quân sự Bộ Tổng Tư lệnh, công tác ở Phòng
Đảng vụ, Cục Chính trị. Từ năm 1951 đến tháng 1/1954, làm Cục phó Cục Tổ chức,
Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám,
tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào.
Từ tháng
2/1954 đến tháng 3/1956, Đồng chí phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn
và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết. Từ tháng 4/1956 đến năm 1960, Đồng chí lần
lượt kinh qua các chức vụ Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động
viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; Đồng chí
được phong quân hàm Đại tá năm 1958. Từ năm 1961 đến năm 1962, Đồng chí được cử
đi học tại Học viện Quân sự Bắc Kinh.
Năm 1964,
Đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Tham
mưu phó. Năm 1965, làm Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư
lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào. Năm 1966 giữ chức Phó Chủ
nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương.
Từ năm
1967 đến tháng 5/1976, Đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Chính ủy, Bí thư
Đảng ủy Đoàn 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh
Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại
tá lên Trung tướng năm 1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đồng chí
tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tháng 6/1976, Đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ
Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.
Tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu
làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ
Xây dựng.
Từ năm
1977 đến tháng 2/1982, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban
cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, Đồng chí được điều trở lại quân đội làm
Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Đến tháng 8/1979, Đồng chí được điều trở
lại giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), Đồng chí tiếp tục
được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung
ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải.
Tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), Đồng chí được bầu
lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương
Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Năm 1991,
Đồng chí thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,
được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ
rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Đồng chí
là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị
khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII,
VIII.
Với những
cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng
của Đảng, của dân tộc, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà
nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy
hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý
khác của Việt Nam và quốc tế.
II. NHỮNG CỐNG HIẾN, ĐÓNG GÓP CỦA
ĐỒNG CHÍ ĐỒNG SỸ NGUYÊN ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC TA
1. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng tài ba đã gắn liền với đường
Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và những chiến công hiển hách
Trong
suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều
cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn
(1967-1976), Đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức
lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập
nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho
các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
a. Chỉ huy, chỉ đạo tổ chức xây dựng đường Trường Sơn trở thành con
đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Bộ đội
Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng
Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh. Trong khoảng thời gian
đó, Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt nhất của máy
bay và bom đạn Mỹ; phải đối mặt với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, với
các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng trên
chiến trường Trường Sơn. Gần 10 năm làm Tư lệnh là quãng thời gian mà Trường
Sơn nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường với quy mô to lớn nhất. Đồng chí
Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu của mình chỉ huy một lực lượng hùng hậu với
quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, để hoàn thành
xuất sắc sự chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.
Thời gian
làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967 - 1976) cũng là giai đoạn cuộc chiến
tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của
Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn
chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn
không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông
vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả như "trận đồ bát quái xuyên rừng
rậm".
Tư lệnh
Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục
dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục
ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ
thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình. Đây thực sự “là một
hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với nhiều trục dọc, trục ngang có
độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài
600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông
tin đường dây tải ba dài 1.350 km”.
Tư lệnh
Đồng Sỹ Nguyên chủ động xây dựng hệ thống thông tin và tuyến đường xăng dầu
Trường Sơn, bảo đảm công tác chi viện cho chiến trường miền Nam: Khi thiết kế
phương thức “tác chiến hợp đồng binh chủng” trong chi viện chiến lược của tuyến
559, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin
tải ba, thông tin vô tuyến sóng ngắn và hệ thống dây thông tin dây bọc đến tất
cả các đơn vị trên toàn tuyến. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã
được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3
nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam
Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương,
tới các trọng điểm, các trạm phẫu thuật…của toàn chiến trường Trường Sơn.
Công tác
bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận
tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng
tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường
Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km. Đề xuất này được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh
thống nhất kiến nghị và được Quân ủy Trung ương phê chuẩn. Hình thành một hệ
thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; đồng
bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho
lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800m3/ngày đêm
trên một hướng.
Việc xây
dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng
xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận
tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia và các lực lượng hành quân của Bộ trên
đường Trường Sơn. Đặc biệt trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch
Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng
dầu cho tất cả các lực lượng tham gia Chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời
và nhanh chóng. Từ khi có tuyến đường ống xăng dầu, lực lượng vận tải của
Trường Sơn chấm dứt một lực lượng lớn vận tải xăng dầu bằng xe téc và xe chở
phi xăng. Và trên mỗi xe ô tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn không còn phải mang
thùng phi xăng dầu dự phòng để dồn trọng tải cho việc chở hàng chi viện…
Nếu không
có tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn thì Bộ đội Trường Sơn không thể hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh
giá:“Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường
Sơn”.
b. Chỉ huy, chỉ đạo tổ chức chiến đấu, bảo vệ, khai thác đường Trường
Sơn, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường và giúp đỡ cách mạng Lào
Hệ thống
đường Trường Sơn thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của miền Bắc chi
viện cho quân Giải phóng miền Nam và lực lượng quân Mỹ, đồng minh. Quân đội Mỹ
và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất nhằm mục đích cắt đứt
con đường vận tải chiến lược này. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý
chí quyết tâm vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ
Nguyên và bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho
chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, lập nên
những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến
tranh Việt Nam. Chính trên những cung đường huyền thoại đó, hàng chục vạn bộ
đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao
xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự
nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đồng chí
Đồng Sĩ Nguyên đã góp phần quan trọng vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm
vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn trong 16 năm chiến đấu, xây
dựng và trưởng thành: Bộ đội Trường Sơn đã đối mặt với 733.000 trận oanh kích
bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ; chúng trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn
bom đạn bằng nhiều thủ đoạn, nhiều hình thức tàn bạo; Mỹ thả xuống Trường
Sơn hàng chục vạn lít chất độc hóa học da cam - dioxin. Song
Bộ đội Trường Sơn đã mở hệ thống đường giao thông với 5 trục dọc và
21 trục ngang dài hơn 17.000 km cho xe cơ giới; vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ
khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ năm 1973 đến
1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí
kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 Quân
đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải
phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở
3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến
trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ chiến trường ra hậu phương nuôi
dưỡng và đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập; xây dựng
1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki-lô-mét dây thông tin các loại,
bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống
xăng dầu, 600 km đường sông… Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn phối thuộc
tham gia góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đường
Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất,
vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả
chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đặc biệt, tuyến đường góp phần quan trọng
vào các quá trình thắng lợi của chiến tranh miền Nam nước ta, nhất là cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh
lịch sử.
Đường
Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một phát kiến của nghệ thuật chiến tranh Việt
Nam. Con đường tạo thế và lực cho chiến tranh nhân dân miền Nam, con đường chia
cắt địch, là nơi xuất phát tiến công của các binh đoàn cơ động chiến lược.
Chính nơi đây đã sáng tạo ra một kiểu tổ chức vận tải chiến lược, một binh đoàn
binh chủng hợp thành lấy bộ đội vận tải làm trung tâm. Kỳ tích mà Bộ đội Trường
Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã lập nên trên tuyến đường
mang tên Bác đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca.
Bên cạnh
việc góp phần vào chiến thắng của Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên còn
nhận thức việc giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo
tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân
tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện
chiến lược.
Địa bàn
tuyến hành lang chi viện chiến lược 559 xuyên qua vùng giải phóng của 4 tỉnh:
Khăm Muộn, Savannakhet, Tàvenoọc, Atôpơ. Theo thỏa thuận với Đoàn chuyên gia
Nam Lào, Đoàn 559 sẽ giúp bạn trong 11 huyện trên hành lang. Phương châm công
tác giúp bạn là “Dựa vào đường lối chủ trương của Đảng bạn, hiệp đồng chặt chẽ
với Đoàn chuyên gia Nam Lào, phát huy sức mạnh cùng bạn làm, tránh làm thay”.
Công tác giúp bạn Lào được Bộ đội Trường Sơn triển khai hiệu quả, đã góp phần
tạo thế trận vững chắc cho tuyến hành lang chiến lược, góp phần không nhỏ trong
chiến công của Bộ đội Trường Sơn.
2. Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn trọn nghĩa tình với đồng
chí, đồng đội
Không chỉ
là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, đồng chí Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên
còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết.
Đồng chí hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người
cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được
chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên
đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Sau Hiệp
định Paris tháng 01/1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ
Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt
liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.
Từ tháng 3/1973,
mệnh lệnh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng
Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến
trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực
lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ. Nhiệm vụ chi viện
chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn và khẩn trương. Việc cắt ra một lực
lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt này là một khó khăn rất lớn.
Nhưng việc nghĩa thì không thể đừng… Tư lệnh chỉ thị: Vì nghĩa cả, vì truyền
thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng
được...
Từ cuối
năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cũng đã được vạch
ra. Đồng chí chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây
dựng Nghĩa trang. Với tầm nhìn “đi trước thời đại”, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã
chỉ đạo các nhà chuyên môn: Phải thiết kế, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường
Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt…
Trong
thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên,
đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát
công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bến
Tắt. Trong không khí khẩn trương của nhiệm vụ giải phóng miền Nam, ngày
24/2/1975, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường
Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10/4/1977. Đây là công trình đền ơn
đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương
nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và
toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không
tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất trên Trường Sơn
- Đường Hồ Chí Minh vĩ đại.
3. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải
phóng
Tháng
9/1976, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ
trách Tổng cục Xây dựng kinh tế. Với vai trò mới, Đồng chí đã đưa 28 vạn quân
chuyển sang làm kinh tế với nhiệm vụ cùng với các bộ có liên quan đảm trách
việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, khai thác khoáng
sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng…
Một lực lượng lớn quân đội trong thời bình do Đồng chí chỉ huy đã tham gia làm
kinh tế tạo ra của cải cho xã hội, vừa trực tiếp bảo vệ những địa bàn chiến
lược quan trọng của đất nước.
Tại Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bầu vào Ban chấp
hành Trung ương. Tháng 02/1977, Bộ Chính trị và Chính phủ đã điều Đồng chí sang
làm Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng và sau đó 9 tháng được Thủ tướng đề nghị
và Quốc hội phê chuẩn lên làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Như vậy khi đất nước có
chiến tranh Đồng chí luôn đứng ở tuyến đầu những nơi gian khổ ác liệt. Khi
chiến tranh kết thúc với trách nhiệm của người đảng viên, Đồng chí luôn sẵn
sàng đi bất cứ nơi đâu Đảng cần. Trên cương vị mới Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp
tục cống hiến sức lực, trí tuệ vào công việc và thường xuyên vào Nam ra Bắc để
trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo các công trình trọng điểm của quốc gia. Đến tháng
2/1982, Đồng chí được Chính phủ điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải. Thời gian làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp
tục thể hiện được tài năng trong việc quản lý điều hành và tháo gỡ những khó
khăn của ngành. Từ năm 1982 lần lượt được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ chính
trị (khóa V), Ủy viên Bộ Chính trị (khóa VI) và được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 1986 đến năm 1991.
Tâm
nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến đường Trường
Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình. Gắn
bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết Đồng chí hiểu ý
nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của
vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc
phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở
thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…
Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ
phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái
viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường.
Trung
tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc -
Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải
đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành
cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là
đường Hồ Chí Minh.
* *
*
Kỷ niệm
100 năm Ngày sinh đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời,
sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí đối với cách mạng
Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động
viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân
dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây
dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỈNH
ỦY QUẢNG BÌNH