Kết quả và những bài học kinh nghiệm sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Hội LHPN tỉnh Thái Bình
Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã
góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về vai trò, vị trí, tiềm
năng to lớn của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Các cấp
Hội đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức
xã hội về công tác phụ nữ và bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách
và hội viên, phụ nữ.
Hình thức
tuyên truyền ngày càng được đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế như: đăng
tải tin, bài tuyên truyền về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên Website,
Fanpage của Hội LHPN các cấp; duy trì biên soạn, phát hành và cung cấp định kỳ
hằng quý Bản tin Sinh hoạt hội viên, phát hành tờ rời, tờ gấp; phối hợp với Báo
Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các phóng sự truyền
hình, tin, bài để tuyên truyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các
lớp tập huấn, hội nghị, tọa đàm về Luật Bình đẳng giới, lồng ghép giới; tổ chức
nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi hội, CLB phụ nữ, giao lưu văn hoá văn nghệ…
Nội dung
tuyên truyền tập trung vào các văn bản: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống
bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân & Gia đình; Chiến lược Quốc gia vì sự tiến
bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai
đoạn 2021-2030; các chỉ thị, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về
lãnh đạo, chỉ đạo công tác bình đẳng giới ... Qua đó, đã góp phần tích cực làm
chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân
dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Các cấp, các ngành trong hệ thống
chính trị và toàn xã hội thường xuyên quan tâm, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ,
tạo điều kiện cho Hội phụ nữ các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong
tham mưu đề xuất chính sách, đề án về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ
phát triển toàn diện, Hội LHPN các cấp đã kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính
quyền xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển
toàn diện; tạo điều kiện để Hội LHPN các cấp triển khai thực hiện hiệu quả các
đề án, chương trình, các cuộc vận động và trang bị các kiến thức cần thiết cho
phụ nữ. Nổi bật là năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt để Hội LHPN
tỉnh được thực hiện 02 Đề án: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của
các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2022-2026” và đề án “Vận động, hỗ
trợ phụ nữ xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” góp phần tích cực tham gia xây dựng
nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2022-2025, định
hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh đã cấp kinh phí để Hội triển khai thực hiện đề
án hàng năm. Đồng thời, UBND các cấp đã ký quy chế phối hợp làm việc với Hội
LHPN cùng cấp, chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu
quả Nghị định 56/2012/NĐ-CP, ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm
của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội
LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước; hỗ trợ, phối hợp, tạo điều kiện, cấp
kinh phí để Hội thực hiện các Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn
2017 - 2025", Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham
gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”. UBND các huyện, thành
phố đã phê duyệt và cấp kinh phí hàng trăm triệu đồng để Hội LHPN huyện được
thực hiện các đề án về công tác vệ sinh môi trường hoặc giao cho Hội đảm nhiệm
duy tu không vật liệu…
Trong việc thực hiện nhiệm vụ xây
dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới và hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh
phúc, Hội đã
tập trung vào các hoạt động xây dựng mô hình điểm, mở các lớp chuyên đề cung
cấp kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống tội phạm,
tệ nạn xã hội, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực gia
đình, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho hội viên, phụ nữ.
Duy trì và thành lập mới các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền
thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc, của Hội, tham quan di
tích lịch sử... Toàn tỉnh hiện có 96 Câu lạc bộ Phụ nữ với nghệ thuật chèo
truyền thống và trên 1.400 Câu lạc bộ dân vũ, Yoga, bóng đá, bóng chuyền hơi
nữ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Ngoài ra,
các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động vận động, hỗ trợ chăm lo cho phụ nữ nghèo,
phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN cơ sở tuyên truyền, vận động cán bộ, hội
viên phụ nữ và Nhân dân tham gia bảo hiểm thân thể, duy trì và nhân rộng mô
hình “Tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể”; xây dựng, sửa chữa
mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tương
thân, tương ái, duy trì mô hình “mẹ đỡ đầu”, “cặp lá yêu thương”, “hũ gạo tình
thương”, tặng quà, tiền, gạo cho phụ nữ, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó
khăn…
Trong công tác cán bộ nữ và phát
triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, Hội LHPN các cấp đã thể hiện rõ trách nhiệm của
mình trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng thực hiện quy hoạch, bổ
nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử cấp ủy, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp,
đại biểu Quốc hội và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; đã góp phần quan
trọng đưa tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều tăng so với nhiệm kỳ trước;
đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng cả về số
lượng và chất lượng. Song song với đó, các cấp Hội còn làm tốt công tác tham
mưu với cấp uỷ về chọn cử cán bộ nữ đi học chuyên môn, lý luận chính trị theo
các chương trình, đề án của tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng
những nữ quần chúng ưu tú để Đảng bồi dưỡng, kết nạp.
Để thực
hiện tốt việc phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, khơi dậy tinh thần
khởi nghiệp, khát vọng của phụ nữ, nữ doanh nhân, Hội LHPN các cấp đã tập trung
triển khai thực hiện hiệu quả đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn
2017- 2025” trên địa bàn tỉnh Thái Bình bằng các việc làm thiết thực và phù hợp
với thực tiễn. Trong 5 năm, các cấp Hội đã giúp được 1.342 phụ nữ khởi sự kinh
doanh và khởi nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 12 hợp tác xã và 49
tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý; phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp
mở các lớp học nghề thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, móc sợi, thêu ren; nghề
may công nghiệp... cho 7.240 lao động, giới thiệu, tìm tạo việc làm cho trên
21.688 lao động nữ góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho
Hội LHPN các cấp đã thực hiện tốt
vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ tại địa phương; thực hiện hiệu quả công
tác giám sát, phản biện xã hội liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; tham mưu
đề xuất chính sách về bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.
Thực hiện
khâu đột phá Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hóa
các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ nhiệm
kỳ 2017-2022, “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh” nhiệm kỳ 2022 – 2027,
các cấp Hội tổ chức đa dạng hóa các hoạt động phù hợp với từng nhóm hội viên,
phụ nữ; xây dựng và nhân diện các mô hình thu hút hội viên, đặc biệt là mô hình
tập hợp hội viên đặc thù như phụ nữ tôn giáo, phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên,
nữ công nhân lao động...; tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp với Đoàn Thanh
niên cùng cấp nhằm thu hút nữ thanh niên tham gia tổ chức Hội, hoạt động Hội.
Hội LHPN tỉnh đã tổng kết công tác hội viên nòng cốt; ban hành Nghị quyết số 01
của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XV về xây dựng, củng cố và phát huy vai
trò của hội viên nòng cốt giai đoạn 2018-2021. Kết nay, toàn tỉnh có trên 426
nghìn hội viên, tăng trên 61 nghìn hội viên so với năm 2018; 100% chi hội phụ
nữ đã xây dựng được hội viên nòng cốt với tỷ lệ trên 22% so với tổng số hội
viên. Mỗi năm, Hội LHPN tỉnh đã mở từ 9 đến 12 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác
Hội, bồi dưỡng kiến thức chuyên đề cho hàng nghìn lượt cán bộ chuyên trách các
cấp và Phó chủ tịch Hội cơ sở. Trong 3 năm 2019, 2020, 2022, Hội LHPN tỉnh đã
tổ chức 24 lớp tập huấn cho trên 6 nghìn lượt chi hội trưởng. Hội LHPN cơ sở
tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho trên 77% chi hội
trưởng được kiêm nhiệm các chức danh có phụ cấp như dân số, y tế, tổ trưởng tổ
vay vốn; tích cực thực hiện các hoạt động dịch vụ, ủy thác để có thêm nguồn
kinh phí thực hiện hoạt động biểu dương, khen thưởng, hỗ trợ, bồi dưỡng cán bộ
Hội, tổ chức cho chị em đi tham quan các danh lam thắng cảnh...
Trong
công tác giám sát: 05 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì giám sát 07 nội dung
tại 90 lượt đơn vị, Hội LHPN 8 huyện, thành phố mỗi năm chủ trì giám sát ít
nhất 01 nội dung; 100% Hội LHPN cơ sở chủ trì hoặc phối hợp giám sát ít nhất 01
nội dung. Các cấp Hội đã tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp
luật liên quan trực tiếp đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới ở địa phương.
Qua giám sát, Hội đã phát hiện nhiều vấn đề và kịp thời có văn bản kiến nghị,
đề xuất như: tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp; chất lượng cán bộ nữ
ứng cử viên; những khó khăn trong thực hiện quy định về việc đảm bảo có cán bộ
nữ trong quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở; công
tác phát triển đảng viên nữ ở khu vực nông thôn; việc thực hiện một số quy định
cụ thể đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp… Nhiều kiến nghị, đề xuất của
Hội sau giám sát đã được cơ quan chức năng tiếp thu, chỉ đạo giải quyết hoặc
kịp thời có những điều chỉnh các quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đảm
bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu
quả quản lý của Nhà nước.
Cùng với
công tác giám sát, các cấp Hội LHPN và hội viên, phụ nữ trong tỉnh cũng tích
cực tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội vào các dự thảo về chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, chương
trình, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương có
liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức
Hội; quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ. Tiêu biểu như: tổ chức lấy
ý kiến các tầng lớp phụ nữ vào Dự thảo sửa đổi bổ sung các Luật như: Luật Giáo dục, Luật Thi hành án hình sự;
Bộ luật Lao động; Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình; Luật Đất đai; góp ý dự
thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp…
Một số kinh nghiệm sau 5 năm thực
hiện Chỉ thị số 21:
- Một là:
Cần có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối
hợp của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể; phát huy vai trò chủ động,
sáng tạo của tổ chức hội trong tham mưu, đề xuất, phối hợp thực hiện Chỉ thị,
nhất là trong thực hiện các nội dung liên quan đến công tác cán bộ nữ.
- Hai là:
Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần bám sát định hướng chỉ đạo của Đoàn Chủ
tịch TW Hội LHPN Việt Nam, sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ cùng cấp; xác định rõ
mục tiêu, các hoạt động trọng tâm và cụ thể hoá vào các nhiệm vụ chính trị của
địa phương, đơn vị; phù hợp tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ.
- Ba là:
Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội, xây dựng tổ
chức Hội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và đội ngũ cán bộ hội có phẩm chất,
trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Bốn là:
Thực hiện hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính
sách, pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới; phát huy dân chủ, tạo cơ hội
cho hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.
- Năm là:
Tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hỗ trợ
phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; phát huy trí
tuệ, vai trò, đóng góp của phụ nữ trong xây dựng tổ chức Hội và các chương
trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới.