Từ năm 40 đầu công nguyên, nữ tướng Vũ Thị Thục đã chọn vùng đất Thái
Bình để dấy binh khởi nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, được Hai Bà Trưng phong tước hàm "Đông Nhung Đại tướng quân". Thái Bình là vùng quê đã sinh ra Linh từ Quốc mẫu
Trần Thị Dung, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã có công cùng với Thống quốc
Thái sư Trần Thủ Độ tạo ra sự chuyển giao quyền lực từ triều đình nhà Lý đến
giai đoạn suy tàn sang vương triều Trần cường thịnh, võ công oanh liệt vào bậc
nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam, đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên
Mông, xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường. Thái Bình là vùng quê sinh ra Lễ
nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ - người phụ nữ “Trung trinh tiết liệt”, nhân từ, tài
sắc, đã giúp vua Lê Thái Tông trong sự nghiệp trị vì đất nước, tô thắm thêm
lịch sử văn hiến Việt Nam thông qua việc truyền dạy nghi thức triều đình, nghi
lễ truyền thống văn hóa dân tộc trong cung đình thời Hậu Lê. Thái Bình còn là nơi sinh ra
các Bà Tổ nghề tài hoa tỏa sáng, được nhân dân đời nối đời tôn kính, thờ phụng, như: Bà Tổ nghề trồng dâu,
nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa - Phạm Thị Xuân Dung (Làng Thuận vi, Bách Thuận, Vũ Thư); Bà Tổ nghề đan giành - Trần Thị Phương
Dung (An Ninh – Quỳnh Phụ); Bà
Tổ nghề đan gai vó, đan lưới - Nhất Nương (Làng Nam Huân, Kiến Xương); Bà Tổ
nghề biểu diễn chèo - Đào Nương (Làng Hoàng Quan, Đông Phong huyện Đông Hưng)…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phong
trào nữ du kích phát triển mạnh như nữ du kích làng Nê (Kiến Xương); Thần Đầu,
Thần Huống (Thái Thụy); làng Nguyễn, làng Khuốc (Đông Hưng)... Vừa anh dũng
chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ xóm làng, các mẹ, các chị còn hăng hái
xung phong vận chuyển lương thực, vũ khí, tham gia liên lạc, cất giấu tài liệu,
bảo vệ cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng, chăm sóc, phục vụ thương binh... Từ
trong gian nguy, phụ nữ và quân dân Thái Bình vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ
với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không dời", vừa tham gia
chiến đấu chị em còn cùng nhân dân đẩy mạnh phong trào sản xuất, diệt
"giặc đói, giặc dốt" với khẩu hiệu "Cuốc cày là vũ khí",
"Nhà nông là chiến sĩ", "Tất cả cho kháng chiến", vận động
phụ nữ theo học các lớp bình dân học vụ, đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn
nghệ, công tác y tế, vệ sinh môi trường. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp,
Thái Bình vinh dự có chị Nguyễn Thị Chiên, Trung đội trưởng du kích xã Tán
Thuật (Kiến Xương) được tặng danh hiệu nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên
của cả nước, có 5.000 bà được suy tôn "lão mẫu gương mẫu".
Trong kháng chiến chống
Mỹ, phụ nữ Thái Bình đã cùng với phụ nữ cả nước động viên, tiễn đưa lớp lớp
thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các bà, các mẹ đã tiễn chồng,
tiễn con lên đường chiến đấu góp phần thực hiện tốt khẩu hiệu "Thóc không
thiếu một cân, quân không thiếu một người". Ở lại hậu phương, các chị thay
chồng chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con cái, tham gia công tác xã hội. Toàn tỉnh
có trên 100 chị làm bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã; 280 chị làm chủ nhiệm,
phó chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 1.100 chị làm đội trưởng sản
xuất; xuất hiện nhiều canh điền giỏi, kiện tướng chăn nuôi... Vừa sản xuất vừa
chiến đấu với quyết tâm "Tay cày, tay súng", "Tay búa, tay
súng", phụ nữ Thái Bình đã góp phần quan trọng làm nên thành tích 5 tấn
thóc/ha đầu tiên toàn miền Bắc đã có 85.000 chị đạt danh hiệu "Ba đảm
đang"... góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, kết
thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kế thừa, phát huy tinh
thần đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ của phụ
nữ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Trung ương Hội LHPN
Việt Nam, Hội LHPN Thái Bình đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt
động. Đặc biệt, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất
nước, đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ hội các cấp đã và đang từng bước trưởng thành,
luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức cho phụ nữ thực
hiện các phong trào thi đua như: "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt,
xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với việc học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh, "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình",
"Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ",
"Gia đình 5 không, 3 sạch"... Từ các phong trào thi đua, các cuộc vận
động trên đã có nhiều mô hình, điển hình trên các lĩnh vực được xây dựng, duy
trì và nhân rộng. Hàng năm, có trên 80% hội viên phụ nữ được học tập nâng cao
kiến thức, trình độ, năng lực mọi mặt và được tiếp cận với các tiến bộ khoa học
kỹ thuật; hàng chục nghìn phụ nữ được tổ chức hội tín chấp vay vốn, vật tư phân
bón phát triển sản xuất; hàng trăm nghìn phụ nữ và con em phụ nữ được học nghề,
tạo việc làm có thu nhập ổn định, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe,
tham gia trong các phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các hoạt
động nhân đạo, từ thiện...tại cộng đồng.